Tổng thuật trực tiếp chiều 15/3: UBTVQH xem xét cho ý kiến về dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) và công tác dân nguyện tháng 02/2023

  • Thứ sáu, 03 17 2023
  • Written by  https://quochoi.vn/

Theo chương trình Phiên họp, 14h00 chiều 15/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 02/2023.

150320230320-z4184017949651 368ffd177b08a10c58d9dbb7c8fa841ePhiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành Phiên họp.

14h02: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến ​​về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

150320231224-150320230929-pct-hai5

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến ​​về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; lãnh đạo, diện Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông tải, Bộ Tài chính; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan. Tiếp theo, đại diện cơ quan soạn thảo sẽ trình bày trình bày về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

14h04: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành báo cáo bản tóm tắt dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

150320230224-z4183831575995 6ea8e026c4937ab414f95d561ffb6adc

Trình bày Tiểu dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Do đó, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.

Điều này nhằm mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; trọng phòng phòng ngừa, kiểm tra giám sát và phục hồi các nguồn nước bị suy suy thoái, kiệt quệ và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương giải quyết các chồng chéo, xung đột pháp luật.

150320230217-z4183832655715 a0a313846eeab586593dc1822ebb8cc0

Quan điểm xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đồng thời kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều) và bãi bỏ 08 điều. Cụ thể, về quy định chung, sửa đổi, bổ sung về phạm vi điều chỉnh, trong đó sửa đổi, bổ sung phát triển tài nguyên nước (Điều 1); bổ sung quy định về áp dụng pháp luật (Điều 4); sửa đổi, bổ sung quy định về các loại hình cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, vận hành…

150320230220-z4183868565954 b79d0080eadee4640eefbf358bf6e20e

Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, gồm 13 điều (từ Điều 13 đến Điều 25), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng quy định rõ các hoạt động thuộc đối tượng điều tra định kỳ thường xuyên và không định kỳ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải cập nhật kết quả thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; trách nhiệm phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu và khả năng tiếp nhận nước thải vào nguồn nước theo hướng công bố ở những khu vực, nguồn nước quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…

Về bảo vệ tài nguyên nước (từ Điều 26 đến Điều 38), bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước (Điều 26), Dòng chảy tối thiểu (Điều 28), ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 29), Bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa (Điều 35) nhằm quản lý chặt chẽ hơn về số lượng, chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt theo hướng quy định các nội dung bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức/cá nhân trong bảo vệ chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt…

150320230218-z4183832756946 9349fa621fbf34e3e1a9cc89eb9546d0

Liên quan đến điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, sửa đổi, bổ sung quy định các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng; Hoạt động điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và quy định trách nhiệm điều hòa, phân bổ tài nguyên nước (Điều 39)…. Đồng thời bổ sung mới Điều 40 về điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước theo hướng quy định trách nhiệm và nội dung thực hiện điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nêu rõ, dự án Luật đã bổ sung mới Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên.

Bổ sung mới Điều 70 về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ; nguyên tắc chi trả dịch vụ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ. Bổ sung mới Điều 71 về tích hợp hoạt động tài nguyên nước, trong đó làm rõ mục đích, ý nghĩa về tích hợp tài nguyên nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia thực hiện tích hợp tài nguyên nước. Đồng thời bổ sung mới về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước; các hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ. Bổ sung mới về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên.

14h17: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

150320230244-z4183855039336 eb88a5e9e9003d1457892783feb16ea8

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai…

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng KH&CN trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.

150320230211-z4183930988810 ee3ae5bd6042a65918105a27d521f25a

Về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước” cho phù hợp với quản lý nước của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành; làm rõ lý do không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; bổ sung điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ các ý kiến nêu trên.

Về một số nội dung chính trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát thể hiện cô đọng, rõ nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát; đồng thời cần làm rõ vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng điều phối, giám sát khai thác, sử dụng nước để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.

150320230206-z4183930620902 a697d5b3e06055c3476ca467951f3845

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; cần đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông. Đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng cơ bản tán thành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp.

Các quy định trong dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung mới, thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý khai thác công trình của các Bộ, ngành.

Về hiệu lực thi hành, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật để bảo đảm có đủ thời gian cần thiết cho việc triển khai thực hiện; cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để xác định lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi của một số quy định, chính sách mới trong dự thảo Luật và thể hiện cụ thể tại quy định về điều khoản chuyển tiếp.

14h29: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

150320230237-150320231023-150320230828-pct-hai-1---

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã tạo sự khuôn khổ pháp lý để bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, góp phần vào việc của việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: giao thoa chồng chéo, các luật khác thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, cơ chế chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa định giá tài nguyên nước, sử dụng, phân bổ nguồn thu, quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước còn bất cập. 

Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sự phù hợp của luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật. Lưu ý việc thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thêm về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

150320230257-z4183868771687 4ca5f731d8ba013cb3e867df0963cd33

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước các quy định về phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, công cụ, chính sách, nguồn lực hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật có đủ điều kiện để trình Quốc hội.

14h34: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự án Luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tương đối toàn diện và hoàn chỉnh. Tán thành việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

150320230255-z4183898383851 71acd89bd8e3cd8c11f413728ae7a897

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, thực tế, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước vẫn còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ cơ chế phối hợp, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, gây khó khăn cho quá trình thực thi, triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa tháo gỡ được các khó khăn này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có những quy định phân định rõ trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, tính khả thi trong quy định pháp luật.

Về ưu tiên áp dụng Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, đối chiếu với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và qua rà soát các văn thì có khoảng 48 Luật có quy định khác với Luật Tài nguyên nước. Do đó, phải khắc phục vấn đề này để tránh vướng mắc khi thực hiện.

150320230239-z4183880029157 ea13c346978fb6e7e6fb9a41213b6e5f

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh với các luật khác có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam để đảm bảo không chồng chéo. Đồng thời cũng cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định trong pháp luật có liên quan, đặc biệt là những vấn đề có cách tiếp cận đa chiều, để đưa ra quy định nhất quán, tránh mâu thuẫn.

Về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước và chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, quy định này khá là chung chung. Như vậy là chưa phù hợp. Đề nghị cần tổng kết thực tiễn, quy định thẩm quyền cụ thể trên tinh thần phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường cấp tỉnh một cách rõ ràng. Quy định cụ thể để đảm bảo tính thống nhất, tránh tạo hẽ hở, tạo tiêu cực.

14h51: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu:

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về việc bổ sung cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tại Điều 2 dự thảo Luật. Theo đó, tại các văn bản quy phạm pháp luật, đây là những đối tượng phải áp dụng quy định, do đó cần cân nhắc sự cần thiết khi bổ sung vào dự thảo Luật.

150320230257-z4183949112837 af4494fb53ed9e1e0924e0c505480281

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ thêm về quy định liên quan tới các tổ chức, cá nhân được điều tra cơ bản về tài nguyên nước. Theo đó, cần làm rõ điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân để tham gia vào điều tra cơ bản tài nguyên nước cũng như cơ chế để các cơ quan có chức năng thẩm tra, thẩm định kết quả điều tra cơ bản cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về tài nguyên nước.

150320230216-z4183949299513 834e31f03966e78b00c8105def7936e9

Đối với việc bổ sung nhân tạo của nước dưới đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết dự thảo đã quy định phải quan tâm đến những vùng có mực nước bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức.Tuy nhiên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị cần quy định để hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nguồn nước dưới mặt đất ở những khu vực này. Đồng thời cần cân nhắc về chính sách xem xét miễn giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước ở những vùng này.

14h57: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu:

150320230324-z4183965265973 2049a30a2cd1996d7f8d2bd1737ef583

Đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, đồng thời cho biết hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật. Cho biết Luật Tài nguyên nước có liên quan đến 11 luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là luật khung hay luật chi tiết để có phương án sửa đổi bổ sung phù hợp, đồng thời bày tỏ quan điểm nên xác định Luật Tài nguyên nước là luật chi tiết, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.

150320230201-z4183930408205 4dd3b86d2891504f61f978b189370b1b

Đối với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung nguyên tắc phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên môn, chuyên ngành khác. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung quy định quyền của tổ chức khai thác, sử dụng nước được nhà nước hỗ trợ khi phải điều chỉnh chế độ khai thác, vận hành công trình theo yêu cầu phục vụ an sinh xã hội.

15h03: Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu:

150320230332-z4183969528380 578fd042374a2cf64ad00b605305fc92

Cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh rất quan tâm đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và đã có 2 báo cáo gửi cơ quan thẩm tra. Đồng thời bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Về bảo vệ các công trình hồ đập có chức năng trữ lượng lớn để phục vụ sản xuất phục vụ cho sinh hoạt, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới lo ngại nếu các đập này bị vỡ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Do đó đề nghị bảo vệ hồ đập ngoài trách nhiệm chung thì còn có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Về tích trữ nước ngọt để sản xuất kinh doanh ở vùng xâm nhập mặn, vùng núi, vùng cao, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu dẫn chứng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nước bị xâm nhập mặn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân, do vậy cần có hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hay khi bị hạn hán cũng cần hồ chứa nước nhỏ để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và sinh quyển. Do vậy, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu về các hồ tích luỹ nước để phục vụ cho sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái.

150320230218-z4183939800722 4d9e737848899271e62956c0e1e705f1

Đối với các sông nối liền với nước ngoài, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần nhấn mạnh và quan tâm đến vai trò hợp tác quốc tế của các Uỷ ban trong sử dụng nguồn nước.

Liên quan đến vấn đề khai thác nước ngầm hiện nay, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho rằng, đối với đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù nhà nước quản lý chặt chẽ khai thác nước ngầm nhưng người dân vẫn khai thác nước ngầm cho sinh hoạt và cho cả sản xuất. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có chế tài để quản lý vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa đảm bảo sinh hoạt của người dân.

15h08: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu:

150320230314-z4184013731918 74cc6b2bbc37689b5a812692f3d2a811

Góp ý về giải thích từ ngữ tại khoản 2 Điều 3 quy định khai thác, sử dụng nước là hoạt động khai thác tiềm năng, giá trị nguồn nước để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc liệt kê như vậy là không phù hợp, vì có những nội dung không có liệt kê hết. Vì vậy chỉ nên quy định: khai thác, sử dụng nước là hoạt động khai thác các tiềm năng, giá trị của nguồn nước thông qua công trình lấy nước, trữ nước, chuyển nước, dẫn nước, sử dụng mặt nước. Góp ý khoản 2, Điều 47 nêu một số nội dung không cấp phép: các công trình khai thác, sử dụng nước quy định tại khoản 1 là công trình nhỏ, nhưng dự thảo không lượng hóa thế nào là nhỏ, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Đồng tình với ý kiến phát biểu tại phiên họp liên quan đến thuế, phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, các nội dung liên quan đến thuế, phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành về thuế phí. Nội dung Điều 68 của dự thảo luật chủ yếu dẫn chiếu các luật về thuế, phí như Luật Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường… Như vậy, quy định Điều 68 của dự thảo luật không cần thiết.

150320230327-z4183996500600 9851c87f54ca0f0c9b7f6427b217e103

Về cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoản 1 Điều 69 quy định các trường hợp phải nộp tiền nhưng chưa rõ ràng, trùng lắp với khoản 2 quy định khai thác nước để phục vụ hoạt động dịch vụ sản xuất đã bao hàm các hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, kể cả nông nghiệp, trừ khai thác nước sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo thiết kế lại rõ ràng hơn.

Đối với khoản 1 Điều 72 dự thảo quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển tích trữ nước và nguồn phục hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi miễn, giảm thuế, mức độ, phạm vi ưu đãi… được quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế, vì vậy, đề nghị cân nhắc nội dung tại khoản 1 Điều 72.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho ý kiến về nguồn lực bảo vệ, phát triển nguồn nước tại Điều 3, đây là nội dung liên quan đến Luật Ngân sách nên việc bố trí ngân sách phải căn cứ vào khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ.

15h14: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm cao

150320230320-z4184017949651 368ffd177b08a10c58d9dbb7c8fa841e 1

Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ tán hành với báo cáo thẩm tra sơ bộ và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao, bám sát các nhóm chính sách sửa đổi Luật được Quốc hội thông qua. Mặc dù đây là lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật này nhưng với tinh thần từ sớm, từ xa dự án Luật đã được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng. 

Cho biết bố cục dự án Luật cơ bản hợp lý, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm các quy định về các loại quy hoạch cần sắp xếp lại bảo đảm logic, đối với từng loại quy hoạch sắp xếp theo thứ tự từ căn cứ, nguyên tắc lập quy hoạch, hồ sơ điều chỉnh, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt quy hoạch,  tổ chức thực hiện, trách đối với từng quy hoạch…

150320230319-z4184033078310 7e3cf346180f2a7e0522b7db6a52b42b

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát dự thảo Luật để khắc phục tối đa các chồng chéo, xung đột pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách về mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước tại Điều 6 để tương thích và thống nhất với Công ước quốc tế về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia và Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục rà soát đối chiếu với các quy định của Luật Thủy lợi. 

Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung và giải thích một số thuật ngữ được sử dụng xuyên suốt cả dự án luật như “phát triển tài nguyên nước”, “phục hồi nguồn nước”, “bổ sung nước nhân tạo”, “tích trữ nước”, “quy hoạch tổng thể điều tra tài nguyên nước”, “quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh”, “cơ sở về hạ tầng tài nguyên nước”; lưu ý sử dụng thống nhất các thuật ngữ như về an ninh nguồn nước hay an ninh tài nguyên nước. 

Nêu rõ trong tổng số 88 điều của dự thảo Luật có đến 33 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cố gắng rà soát để nội dung nào có thể quy định chi tiết ngay trong Luật thì quy định.

150320230355-z4183930353752 76b253fa902bbc71b5dcdb30ffda25c9

Về mặt số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng nguồn nước chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề, do đó tại chương 3 dự thảo Luật quy định về Bảo vệ tài nguyên nước cần bổ sung thêm khái niệm về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc bảo vệ phát triển tài nguyên nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng đã bị suy yếu, suy giảm thì chúng ta phải có trách nhiệm phục hồi, phục vụ tài nguyên nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát để bổ sung chức năng rất quan trọng của nguồn nước là chức năng phòng chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ; điều hòa, chống úng, chống ngập; hành lang bảo vệ nguồn nước; bổ sung khái niệm hành lang thoát lũ; quy định cụ thể hơn về phân cấp và lội trình xác định dòng chảy tối thiểu; khái niệm về chỉnh trị sông, nạo vét, phục hồi lòng dẫn; nghiên cứu quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn để các tổ chức, các cá nhân, các doanh nghiệp phấn đấu đạt được…

150320230357-z4184033095420 b89f15836a87f63ac2105b6d21deca92

Chủ tịch Quốc hội cho rằng các quy định mà ở trong phần điều hòa, phân phối tài nguyên nước vẫn chủ yếu tập trung vào các các quy hoạch khai thác. Trong khi duy trì khai thác dưới đất cần có các điều khoản để bảo vệ việc bổ sung tự nhiên nguồn nước dưới mặt đất, thu nước mưa trên bề mặt hạn chế bê tông hóa hoàn toàn bề mặt. Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần cố gắng có những quy định để có cạnh tranh, vai trò các thành phần kinh tế trong khai thác và trong sử dụng người tài nguyên nước và theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là nên cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo và các khái niệm như về tái sử dụng nước, cải tạo nước và tuần hoàn nước.

Về chính sách tài nguyên về tài chính, về tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội tán thành với ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là cần tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định về giá tính thuế, tài nguyên nước theo quy định pháp luật về thuế, giá. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, giá nước không chỉ là vấn đề mục đích sử dụng, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực mà còn theo mức độ khan hiếm tài nguyên nước ở khu vực. Do đó, các luật thuế cũng phải nghiên cứu có những tỷ lệ thuế suất khác nhau nhất là những nơi khan hiếm tài nguyên nước thì phải đánh thuế cao. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, bảo đảm quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và khắc phục tính chồng chéo.

15h41: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi):

150320230317-z4184115735947 9effc6b0438348a74d8e64c6afdca0e2

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cảm ơn các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành, theo sát, góp ý trước nhiều ý kiến thẳng thắn, đúng đắn, xây dựng, giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Khó khăn nhất của việc xây dưng Luật Tài nguyên nước là quản lý nước phải tiến hành theo lưu vực, nhưng chúng ta không có cơ quan quản lý về tài nguyên nước theo vùng, theo lưu vực, dẫn đến xuất hiện chồng chéo, vướng mắc. Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về hệ thống quản lý tài nguyên nước, lấp đầy những lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước, các công trình thủy lợi…

150320230316-z4184109790232 77eda54034ae1d9b51f90e068edc199b

Về kết cấu, bố cục, cách thức sắp xếp nội dung trong dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để đảm bảo văn bản pháp luật logic, rõ ràng, có tính hệ thống, minh bạch và khả thi.

15h47: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

150320230318-z4184115962110 8a8900a3f19b7829456dcf5ea5f89c23

Kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tuy nhiên, để đủ điều kiện trình Quốc hội, cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước có đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát điều tiết toàn diện các vấn đề về nước; cần bao quát cả 3 loại nước: nước mặn, nước lợ, nước ngọt.

150320230320-z4184128991043 b78da3ab217622d56e9adfda84b92322

Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác, quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, ý kiến cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

15h52: Nghỉ giải lao

16h06: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 02/2023:

150320230411-z4184180722690 71f76f51ef26b60c09079cac2d74916b

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục chương trình, chiều ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 02/2023. Dự phiên họp có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công An; đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Đặng Công Uẩn, Phó Tổng thanh tra Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương; đồng chí Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương.

16h08: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 02/2023

150320230440-z4184185343470 5cb6d78d858332f791aa90cfe14be0d1

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 02/2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng thời, cử tri tin tưởng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đánh giá cao việc kiên quyết xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.

150320230430-z4184219020381 0adac802f28775369367b811de5de16f

Cử tri và Nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và mong muốn các ý kiến đóng góp của Nhân dân cần được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cử tri hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 21 và việc lựa chọn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát được dư luận quan tâm.

Ngoài ra, cử tri và Nhân dân cả nước còn phản ánh và lo lắng về tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum; vấn đề thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế đã xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối, ảnh hưởng lớn đến công tác việc khám, chữa bệnh cho người dân; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục; tình trạng ùn ứ tiếp diễn tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông….

150320230432-z4184219258406 59f7a4f2255d03d7dbf625963ffd1334

Về Kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của củ tri của cơ quan có thẩm quyền, tính đến ngày 13/3/2023, Ban Dân nguyện đã nhận được 2.170 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, hiện còn 423 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện đang tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 02/2023, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 312 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 305 vụ việc và có 11 lượt đoàn đông người, tăng 131 lượt người về 117 vụ việc và 06 lượt đoàn đông người so với tháng 01/2023. Qua tiếp công dân, các cơ quan đã chuyển 64 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 13 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 228 vụ việc.

150320230431-z4184219123883 8cf4b88b0022c63036aa6457fd732afb

Trên cơ sở đó, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện trước ngày mùng 5 hàng tháng để Ban Dân nguyện kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

150320230206-z4183930620902 a697d5b3e06055c3476ca467951f3845

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp chiến lược lâu dài bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân; tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục; tiếp tục có giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và lâu dài nhằm khắc phục, ngăn chặn sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời gian tới…

16h33: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 02/2023

150320230456-z4184206988830 dff52695857086892e3b7ff47eadd646

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề cử tri quan tâm, đóng góp ý kiến như việc lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tình hình phòng chống tham nhũng, tiêu cực, việc lựa chọn vấn đề chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo; các kiến nghị trong báo cáo đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.

16h44: Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình:

150320230409-z4184296311637 eda0a9fa20f2c5ab3c375b5d8dc70290

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đồng tình với đề xuất, kiến nghị của Ban Dân nguyện về các nội dung liên quan đến quản lý của Bộ Công thương là an toàn điện và an toàn về môi trường. 

Về an toàn điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Điện lực đã nêu rất rõ các quy định về an toàn điện, nhưng các thông số về điện gió vẫn thiếu, Bộ Công thương đang khẩn trương nghiên cứu.

150320230456-z4184304929964 5c00d7c81dd8641873bacc6d2a3dc0c7

Về an toàn môi trường lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học công nghệ. Vì vậy, sau cuộc họp do Ban Dân nguyện tổ chức ngày 8/3, ngày 18/3 Bộ Công thương sẽ chủ trì cuộc họp với các Bộ: Tư Pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng để triển khai, xây dựng văn bản tạo hành lang pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định rõ hành lang an toàn liên quan đến các công trình điện gió.

16h46: Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu:
Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, những kiến nghị nêu trong công tác dân vận tháng 12/2022 và tháng 1/2023, Bộ Công an đã nghiêm túc tiếp thu và thực hiện rất tốt, không có vướng mắc. Liên quan đến vấn đề trái phiếu, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu rõ, hiện vấn đề này đang thực hiện tố tụng và giải quyết theo quy trình.

150320230457-z4184305757686 5a6890c5ffb495e46809a1c3bfcf96d6

Bên cạnh đó, sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ Công an đã có tiếp nhận 51 kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến, hiện nay đã giải quyết 51/51 kiến nghị rất tốt.

Về những kiến nghị của Ban Dân nguyện của Quốc hội vào tháng 2/2023, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết về một số việc liên quan đến công an, Bộ đã nghiêm túc tiếp thu và phối hợp thực hiện trong thời gian tới.

Liên quan đến tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật và công ty mua bán, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, tình trạng này đã xuất hiện từ tháng 10/2022, hiện đã phát hiện và đang xử lý theo quy định pháp luật.

Về tình trạng mạo danh giáo viên và nhân viên bệnh viện để lừa đảo phụ huynh, gia đình học sinh, bằng thủ đoạn dùng tin nhắn báo cho gia đình có con đã vào viện để lừa đảo phải chuyển tiền, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết Bộ đã điều tra và phát hiện, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa hai nội dung trên.

16h49: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh:

150320230429-z4184309674081 99765b7e6a51dcd2a0e5d108fd55461b

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, báo cáo công tác dân nguyện tháng 2 có nêu vấn đề về thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Theo sự phân công của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Y tế, các nhân, tổ chức có liên quan đã có gửi báo cáo đến UBTVQH về thực trạng, giải pháp và kiến nghị tới Chính phủ để khắc phục tình trạng này.

16h51: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận:

150320230451-z4184322995960 8d54771f6bc1388bb417ee6dd2b891bf

Kết luận nội dung thảo luận,  Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo công tác dân nguyện. Tại phiên họp, đại diện Tập đoàn điện lực, Bộ Công Thương, Bộ Công An có báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Báo cáo công tác dân nguyện ngày càng tốt hơn, đi vào các cụ thể, những việc nổi lên trong tháng để yêu cầu các cơ quan hữu quan, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương tập trung xử lý. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương bám sát đề xuất của báo cáo công tác dân nguyện để tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm một số vấn đề như về định mức chế độ tiêu chuẩn so với Luật Điện lực giữa điện thường và điện gió; thủ tục tiếp nhận để tháo gỡ khó khăn cho các công ty. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị sau phiên họp, Ban Dân nguyện hoàn chỉnh báo cáo và phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để có chuẩn bị báo cáo rồi thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi cho các cơ quan, tổ chức để thực hiện./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Read 1117 times
Rate this item
(0 votes)
  • Tin xem nhiều nhất
  • Tin mới nhất
  • Gặp mặt nguyên các lãnh đạo Liên đoàn nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021
    Nhân dịp đón xuân mới, Xuân Tân Sửu– 2021, sáng ngày 28/01/2021, tại trụ sở Liên đoàn số 10, ngõ…
    Thứ năm, 28 Tháng 1 2021
  • THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
    Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thông báo tuyển dụng viên chức năm 2021…
    Thứ sáu, 02 Tháng 4 2021
  • Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân
    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Quý…
    Thứ bảy, 21 Tháng 1 2023
  • Thủ tướng yêu cầu tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long
    (Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tập…
    Thứ tư, 17 Tháng 4 2024
  • Đỉnh điểm khô hạn ở Tiền Giang: Không để người dân thiếu nước sạch
    TPO - Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình bảo đảm…
    Thứ hai, 08 Tháng 4 2024
  • Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn thành phố Hà Nội
    Ngày 19/01/2024 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 372/QĐ – UBND về việc Phê duyệt danh…
    Thứ sáu, 05 Tháng 4 2024

hoponline

7772422
Hôm nay
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
15801
163875
430673
7772422

Địa chỉ IP: 18.116.63.236
Giờ máy chủ: 2024-04-20 11:52:42

Who's Online

Đang có 707 khách và không thành viên đang online

nwater full2 backgroundTRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC

Chịu trách nhiệm nội dung: Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc - Trung tâm QH&ĐTTNN quốc gia
Địa chỉ: Số 10 - Ngõ 42 - Phố Trần Cung - Phường Nghĩa Tân- Quận Cầu Giấy - TP.Hà Nội
Điện thoại: 024.38.362.947 - Fax: 024.37.560.035
Email: vpldtnnmb@gmail.com