Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc tiền thân là Liên đoàn Địa chất số 2 làm nhiệm vụ thăm dò than vùng Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh được Nhà nước cho chuyển sang làm nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất từ cuối năm 1973. Ngày 15/3/1974, Tổng cục Địa chất có Quyết định số 122/QĐ-TC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn, đổi tên thành Liên đoàn 2 Địa chất thủy văn, là đầu mối để quản lý thống nhất các Đoàn Địa chất thủy văn của Tổng cục. Hằng năm, Liên đoàn lấy ngày đó làm “Ngày truyền thống” (ngày 15/3)
Năm 1997, Bộ Công nghiệp đổi tên thành Liên Đoàn Địa chất thủy văn-Địa chất công trình miền Bắc cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đổi tên thành Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được bổ sung và điều chỉnh.
Thời kỳ đầu, Liên đoàn có 15 đơn vị thành viên với trên 2.000 cán bộ công nhân viên là lực lượng nòng cốt để điều tra, đánh giá Địa chất thủy văn và Địa chất công trình trên địa bàn cả nước. Năm 1976, Liên đoàn tách một bộ phận để thành lập Liên đoàn 7 Địa chất thủy văn, (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung). Năm 1981, Liên đoàn tách tiếp một bộ phận để thành lập Liên đoàn 8 Địa chất thủy văn, (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam).
Ngoài ra, Liên đoàn còn cung cấp nhiều cán bộ cho các đơn vị trong ngành như: Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản
Từ 1974-1977 Liên đoàn đóng quân trên địa bàn Xã Thượng Yên Công, Thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá, lập bản đồ địa chất thủy văn trên phạm vi cả nước.
Năm 1978 được sự chỉ đạo của Tổng cục Địa chất trong thực hiện nhiệm vụ Liên đoàn chuyển trụ sở về đóng quân trên địa bàn thị trấn Sao Đỏ huyện Chí Linh (nay là Thành phố Chí Linh) tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và gắn bó với chính quyền và nhân dân thị trấn Sao Đỏ huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong thời gian 15 năm (1978-1993)
Năm 1993 theo yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế được sự quan tâm của Bộ Công nghiệp, của Tổng cục Địa chất, Liên đoàn chuyển trụ sở từ Sao Đỏ - Chí Linh tỉnh Hải Dương lên đóng quân tại Xã Cổ Nhuế - huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Hiện nay, Liên đoàn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, có chức năng lập quy hoạch; điều tra cơ bản và quan trắc, giám sát tài nguyên nước trên phạm vi các tỉnh miền Bắc (từ đèo Hải Vân trở ra)
Với lực lượng lao động hiện có hơn 200 người với 5 phòng chức năng, chuyên môn và 6 đơn vị trực thuộc
+ Các phòng chức năng, chuyên môn gồm:
- Văn Phòng
- Phòng Kế hoạch – Tài chính
- Phòng Quy hoạch tài nguyên nước
- Phòng Điều tra tài nguyên nước
- Phòng Phân tích thí nghiệm
+ Các đơn vị trực thuộc gồm:
- Đoàn tài nguyên nước Đông Bắc có trụ sở tại số 216 Phường Nguyễn Trãi II, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
- Đoàn tài nguyên nước Tây Bắc có trụ sở tại số 1 đường Trung Tâm, thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên
- Đoàn tài nguyên nước Đồng bằng Bắc Bộ có trụ sở tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội;
- Đoàn tài nguyên nước Bắc Trung Bộ có trụ sở tại số 30, đường An Dương Vương, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An;
- Đoàn Quan trắc tài nguyên nước Bắc Bộ có trụ sở tại số 10, ngõ 42, phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội;
- Đoàn Quan trắc tài nguyên nước Bắc Trung Bộ có trụ sở tại số 250 Phan Bội Châu, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế;
Từ khi thành lập đên nay, Liên đoàn đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác điều tra cơ bản về Địa chất thủy văn, Địa chất công trình, Quy hoạch, điều tra đánh giá tài nguyên nước kể cả nước khoáng, nước nóng; điều tra địa chất đô thị, địa chất tai biến, địa chất môi trường...
Điều tra cơ bản về Địa chất thủy văn và Địa chất công trình thực hiện bằng việc đo vẽ lập bản đồ Địa chất thủy văn và Địa chất công trình tỷ lệ trung bình (1: 200.000) và tỷ lệ lớn (1: 50.000-1: 25.000). Đo vẽ lập bản đồ Địa chất thủy văn và Địa chất công trình tỷ lệ 1: 200.000 đã hoàn thành ở 11 đề án trên diện tích khoảng 90.000 km2, đạt 56% diện tích địa bàn hoạt động của Liên đoàn, còn nếu tính riêng bản đồ Địa chất thủy văn tỷ lệ 1: 200.000 thì đã phủ kín trên 150.000 km2, đạt gần 95% địa bàn hoạt động của Liên đoàn. Công tác đo vẽ lập bản đồ Địa chất thủy văn và Địa chất công trình tỷ lệ lớn được thực hiện chủ yếu ở tỷ lệ 1: 50.000 trong 16 đề án ở các vùng đồng bằng, một ít ở trung du và vùng núi là các khu vực phát triển kinh tế, trong đó bản đồ Địa chất thủy văn phủ được diện tích khoảng 20.000 km2, đạt 12,5%, bản đồ Địa chất công trình phủ được khoảng 15.000 km2, đạt 9,3 % địa bàn hoạt động của Liên đoàn. Kết quả điều tra cơ bản về Địa chất thủy văn là việc phân chia ra được các đơn vị chứa nước và không chứa nước, đánh giá được các quy luật phân bố cả về chất và về lượng của nước dưới đất, còn về Địa chất công trình là đã đánh giá được điều kiện Địa chất công trình, phân chia ra các vùng, khu, khoảnh… có mức độ thuận lợi khác nhau cho mục đích xây dựng. Kết quả điều tra cơ bản về Địa chất thủy văn và Địa chất công trình có ý nghĩa rất lớn, làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, phục vụ lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Công tác tìm kiếm và thăm dò nước dưới đất được Liên đoàn thực hiện từ trước những năm 90 của thế kỷ trước. Đã hoàn thành ở 73 vùng mỏ với tổng diện tích khoảng 20.000 km2, đánh giá trình duyệt trữ lượng nước dưới đất cấp A là 676.000 m3/ngày; cấp B là 656.000 m3/ngày. Kết quả này được sử dụng để xây dựng các nhà máy khai thác lớn từ nguồn nước dưới đất như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bỉm Sơn, khu vực Bãi Cháy - Hòn Gai - Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất có hình thức rất đa dạng, được tiến hành ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng phát triển kinh tế theo chủ trương của Nhà nước, vùng đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Liên đoàn đã hoàn thành Chương trình điều tra, đánh giá nước dưới đất vùng núi, hoàn thành ở 33 vùng là các thị trấn, thị tứ, các tụ điểm dân cư thuộc 19 tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả đã phát hiện, xác định được 34.000 m3/ngày nước dưới đất có chất lượng tốt, có thể xây dựng các công trình khai thác quy mô nhỏ phục vụ dân sinh. Đối với 7 tỉnh miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn, Liên đoàn đã thực hiện điều tra ở 13 vùng thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Giang, kết quả có thể khai thác với tổng lưu lượng 15.000 m3/ngày và xây dựng công trình khai dẫn đơn giản phục vụ nhân dân.
Các đề án điều tra đánh giá nước dưới đất ở các vùng có kết quả đánh giá trữ lượng lớn hoặc có ý nghĩa cung cấp nước cho dân sinh là vùng Chân Mây - Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm sát bờ biển, đã xác định nguồn nước nhạt dưới đất có trữ lượng khai thác là 14.840 m3/ngày; các trầm tích Neogen vùng Hà Nội: 18.248 m3/ngày; 8 đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh gồm Thanh Lân, Cô Tô, Đảo Trần, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Chiến Thắng, Vĩnh Thực và Trà Ngọ có kết quả đánh giá trữ lượng nước dưới đất là 3.400 m3/ngày, nước có chất lượng tốt. Đặc biệt, với việc phát hiện nguồn nước dưới đất tại khu vực thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – thuộc cao nguyên đá vôi vô cùng khan hiếm nước với lưu lượng 1.114 m3/ngày, đã trở thành 1 trong những sự kiện nổi bật năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các kết quả đánh giá trữ lượng trên đây có độ tin cậy tương ứng cấp C1. Ngoài ra, Liên đoàn là lực lượng nòng cốt thực hiện hoàn thành đề án Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, một phần việc của chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ngày 01/7/2004 về phát triển kinh tế vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Công tác tìm kiếm và thăm dò nước khoáng, nước nóng được Liên đoàn thực hiện ở 13 vùng mỏ và phát hiện hàng trăm điểm nước khoáng, nước nóng khác nhau có giá trị. Kết quả đã xác định được trữ lượng xếp cấp B là 3.300 m3/ngày; cấp C1 là 7.000 m3/ngày làm cơ sở để xây dựng các khu điều dưỡng hoặc khai thác đóng chai như: Quang Hanh, tỉnh Quảng Ninh; Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; Mỹ Lâm, tỉnh Tuyên Quang; Bản Khạng, tỉnh Nghệ An…
Liên đoàn đã hoàn thành điều tra địa chất đô thị ở 23 thành phố, thị xã phía Bắc với tổng diện tích 5.600 km2. Kết quả ở mỗi đô thị điều tra đã thành lập được đồng bộ các bản đồ: Địa chất và Khoáng sản, địa mạo - tân kiến tạo, vỏ phong hóa, Địa chất thủy văn, Địa chất công trình, địa chất môi trường và phân vùng định hướng sử dụng đất tỷ lệ lớn phục vụ lập hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị. Hoàn thành Dự án "Điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng Thủ đô Hà Nội" trên diện tích tự nhiên 13.436 km2 (tại 07 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình). Dự án đã đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá sơ bộ khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở các khu vực đô thị trong vùng Thủ đô. Ngoài ra, kết quả thực hiện dự án đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á; giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào Thủ đô Hà Nội trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vùng.
Ngoài ra còn tham gia thực hiện hoàn thành các dự án lớn như: Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn (Liên đoàn thực hiện hoàn thành tại Đô thị Hà Nội, Hải Dương...); Biên hội – Thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc; Điều tra, đánh giá nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam; Điều tra cơ bản tài nguyên môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại các đảo, cụm đảo Cái Bầu, Cô Tô - Vĩnh Thực và đảo Bạch Long Vĩ …đặc biệt việc Liên đoàn điều tra, đánh giá tìm được 2 lỗ khoan (BLV1 và BLV2) có nước với tổng lưu lượng 75 m3/ngày tại đảo Bạch Long Vĩ và đã tiến hành lắp đặt khai dẫn bàn giao cho quân và dân trên đảo đưa vào khai thác sử dụng được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2018.
Công tác quan trắc nước dưới đất được Liên đoàn thực hiện xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới ở Đồng bằng Bắc Bộ, tiếp nhận mạng quan trắc Bắc Trung Bộ; thực hiện quan trắc liên tục và cập nhật cơ sở dữ liệu động thái nước dưới đất, cung cấp thông tin phục vụ thông báo, cảnh báo diễn biến tài nguyên nước ở 198 công trình quan trắc vùng Đồng bằng Bắc Bộ và 167 công trình quan trắc vùng Bắc Trung Bộ góp phần phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và các yêu cầu khác của nền kinh tế quốc dân.
Liên đoàn tham gia tích cực công tác nghiên cứu khoa học công nghệ: Chủ trì hoàn thành 3 đề tài cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp Bộ, nhiều đề tài cấp cơ sở; Biên soạn và xuất bản 2 chuyên khảo về nước dưới đất, chủ trì hoặc tham gia biên soạn hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư của Bộ, quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật để thống nhất quản lý và thực hiện trong ngành.
Hiện Liên đoàn đang chủ trì thực hiện đề án điều tra đánh giá tổng quan tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000 lưu vực sông Lô - Gâm; dự án Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1/50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; Tiếp tục vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại 365 công trình ở 2 vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Nghiên cứu 02 đề tài khoa học - công nghệ cấp Bộ. Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất 9 tỉnh vùng núi cao, vùng khan hiếm nước giai đoạn I gồm: Tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh,Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai và Sơn La thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Về lĩnh vực lập quy hoạch tài nguyên nước, Liên đoàn đã chủ động quan hệ với các địa phương để thực hiện lập quy hoạch tài nguyên nươc cho các tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành lập quy hoạch tài nguyên nước cho các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Điện Biên và Thái Bình…
Về lĩnh vực Địa chất công trình, đã tiến hành điều tra đánh giá về Địa chất công trình, điều tra đánh giá các tai biến địa chất liên quan đến nước dưới đất như sụt đất, lún đất ở Lê Thanh, Lê Xá thuộc TP. Hà Nội, Ký Phú - Thái Nguyên và Thanh Ba - Phú Thọ…
Ngoài ra, Liên đoàn còn thực hiện hàng loạt các hoạt động tư vấn dịch vụ có thế mạnh như: Thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất, khoan kết cấu lỗ khoan khai thác, điều tra đánh giá tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, thiết kế và thi công xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước, khảo sát địa chất công trình, khảo sát đánh giá tai biến địa chất liên quan đến tài nguyên nước… với nguồn thu đáng kể vừa đem lại các lợi ích cho xã hội vừa nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Liên đoàn luôn luôn duy trì được phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các nghĩa vụ với nhà nước về thu nộp ngân sách, làm tốt các nghĩa vụ đối với các địa phương nơi đóng quân: Đã nhận nuôi dưỡng suốt đời 01 mẹ Việt Nam anh hung Lưu Thị Ngơi ở Ninh Giang – Hải Dương, xây dựng 01 nhà tình nghĩa cho 1 đồng chí thương binh nặng tại xã Cổ Nhuế - TP Hà Nội, góp vốn để xây dựng 1 đài tưởng niệm liệt sĩ, tặng giếng khoan khai thác cấp nước sạch 150 m3/ngày đêm cho Trại thương binh nặng Duy Tiên, Hà Nam…Hằng năm hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền, công đoàn các cấp Liên đoàn đều vận động CBCNVC, lao động trích đóng góp ngày lương vào quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quyên góp ủng hộ các nạn nhân bị lũ lụt, thiên tai, chất độc màu da cam, trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người khuyết tật…với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Ghi nhận những cống hiến và nỗ lực của CBCNV Liên đoàn, Nhà nước đã ghi nhận và tặng thưởng Liên đoàn nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1983, hạng Hai năm 1989, hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2009. Được Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng nhiều cờ thi đua đơn vị dẫn đầu, Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Liên đoàn đã đóng góp một phần công sức, trí tuệ, thành quả lao động phục vụ tích cực trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế Quốc tế và cho sự phát triển không ngừng của ngành Tài nguyên và Môi trường./.