Chiều ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị báo cáo về nội dung tài nguyên nước trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và dự thảo quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Sê San - Srêpôk.
Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các đơn vị Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Vụ Kế hoạch -Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Phát biểu chủ trì tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai, trong đó tài nguyên nước đóng vai trò xương sống trong bài toán quy hoạch để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Do đó, các đơn vị cần phải theo dõi sát sao, tập hợp lực lượng để làm rõ những góp ý, nội dung lồng ghép của Bộ TN&MT vào dự thảo để quy hoạch đúng hướng, sản phẩm có ý nghĩa, chất lượng.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về việc tính toán, cung cấp tài liệu về tài nguyên nước phục vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL (QHV), Trung tâm đã chủ động thực hiện các nội dung để cung cấp tài liệu, số liệu phục vụ cho hợp phần tài nguyên nước trong bản QHV gửi Cục Quản lý tài nguyên nước để tổng hợp và tham gia buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 01/2021, cụ thể:
Về các tài liệu, số liệu tích hợp vào QHV, Trung tâm đã xác định chức năng nguồn nước đối với 43 sông, kênh gồm: sông chính, các sông liên tỉnh (nguồn cấp nước); Kênh chính/cấp 1 (tạo nguồn nước); Kênh cấp II (phân phối nước). Đồng thời, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước. Trong đó, đã xác định rõ các định hướng, giải pháp về tài nguyên nước để đưa vào trong báo cáo tổng hợp QHV ĐBSCL như định hướng ưu tiên phân bổ trong trường hợp bình thường và hạn hán, thiếu nước; định hướng nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt; định hướng hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước, giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước; định hướng công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; định hướng các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; định hướng các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Về các nội dung tiếp tục triển khai trong Quy hoạch tổng hợp LVS Cửu Long, ông Hà cũng cho biết, dữ liệu khí tượng, thủy văn tại các trạm cơ bản trong vùng ĐBSCL đã được thu thập, tổng hợp. Ngoài việc sử dụng các trạm mưa thực đo, Trung tâm còn sử dụng dữ liệu từ mưa, nhiệt độ, bốc hơi từ nguồn vệ tinh và mô hình toàn cầu độ phân giải 25x25km để tăng độ chính xác kết quả mô phỏng, tính toán.
“Trung tâm đã tiến hành xây dựng mô hình mưa - dòng chảy MIKE NAM để tính toán lượng nước nội sinh, ngoại sinh (cho toàn vùng và 14 tiểu vùng); mô hình thủy văn tỷ lệ lớn HYPE để tính toán dự báo dòng chảy và bùn cát lưu vực sông Mê Công trước khi đổ về Việt Nam và cung cấp số liệu làm biên đầu phía thượng nguồn vào cho các mô hình thủy lực, vận chuyển bùn cát, cân bằng nước toàn vùng ĐBSCL; mô hình thủy lực MIKE 11 để diễn toán dòng chảy trong cả năm (mùa kiệt và mùa lũ; mô hình dòng chảy nước dưới đất FEFLOW nhằm đánh giá trữ lượng có thể khai thác được cho các tầng chứa nước chính; dự báo mực nước dưới đất và nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nước dưới đất theo các giai đoạn với các kịch bản phương án khai thác khác nhau. Đây là lần đầu tiên các mô hình này được xây dựng nhằm tính toán tổng thể lượng nước mặt, nước dưới đất trên toàn vùng ĐBSCL” - Ông Hà cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cuộc họp đã tham gia phát biểu, báo cáo các nội dung liên quan đến các nội dung được phân công thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, trong thời gian qua, Cục luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị về tài nguyên nước trong Bộ để tổng hợp nội dung, cung cấp tài liệu tài nguyên nước phục vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL. Hiện nay, Cục đang tiếp tục rà soát dự thảo Quyết định và làm việc với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép các nội dung tài nguyên nước vào báo cáo tổng hợp và dự thảo Quyết định Quy hoạch vùng ĐBSCL.
Cũng tại cuộc họp, báo cáo về nội dung dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện Trung tâm Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, phạm vi của Quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Sê San thuộc lãnh thổ Việt Nam với tổng diện tích 11.450 km2.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xác định được thực trạng và xu thế phát triển kinh tế xã hội, tài nguyên nước, khai thác sử dụng nước các ngành, quản lý nước, các rủi ro liên quan đến nước, các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước và các vấn đề chính về nước của lưu vực sông Sê San; xác định các giải pháp về phân bổ, bảo vệ nguồn nước, và phòng chống tác hại do nước gây ra trong lưu vực sông Sê San trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội theo các giai đoạn và biến đổi khí hậu; đồng thời, kiến nghị các giải pháp ưu tiên về quản lý lưu vực nhằm hỗ trợ quản lý tài nguyên nước và hoạt động của Ủy ban lưu vực sông Sê San - SrêPôk.
Theo đó, dự thảo Quy hoạch cũng đã xác định các nhóm nội dung chính của quy hoạch bao gồm: Vùng quy hoạch; lượng nước khai thác, sử dụng trên lưu vực sông; nhu cầu khai thác, sử dụng nước; chức năng nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; nguồn nước dự phòng cấp nước cho sinh hoạt; lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng;….
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thanh đánh giá cao nội dung dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hoàn thiện dự thảo, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị, đặc biệt là các nội dung liên quan đến phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng, đề xuất các công trình phát triển nguồn nước trong kỳ quy hoạch, bảo vệ nguồn sinh thủy, nguồn nước dưới đất,… nhằm đảm bảo các vấn đề phát triển bền vững, phòng chống thiên tai, phòng chống tác hại do nước gây ra.