Lần đầu tiên kể từ đầu mùa khô năm nay, lượng mưa quan trắc được trong tháng 2/2021 ở Hạ lưu vực sông Mê Công có những khu vực bắt đầu cao hơn giá trị trung bình nhiều năm. Trong khi khu vực thượng nguồn sông Mê Công đã có một vài đợt mưa khá lớn cải thiện tình hình khô hạn khu vực này, thì các vùng về phía hạ nguồn từ trung và nam Lào, vùng Tây nguyên của Việt Nam và Châu thổ sông Mê Công tổng lượng mưa vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khá nhiều.
Mặc dù lượng mưa ở thượng nguồn đã tăng đáng kể, nhưng số liệu quan trắc tại trạm Chiềng Sẻn (vùng Tam giác vàng) cho thấy mực nước trong tháng 2/2021 vẫn duy trì ở mức khá thấp. Trước đó, Trung Quốc đã thông báo cho các quốc gia ở hạ nguồn là thủy điện Cảnh Hồng sẽ hạn chế xả nước nhằm mục đích bảo dưỡng định kỳ từ ngày 5 đến 24 tháng 1/2021. Tuy nhiên, lưu lượng tại Chiềng Sẻn vẫn duy trì ở mức thấp khoảng 800 m3/s, cho tới nay. Như vậy, thủy điện Cảnh Hồng vẫn hạn chế xả nước về hạ du ở mức độ thấp hơn Trung Quốc thông báo cả về lưu lượng xả và thời gian hạn chế xả.
Ở vùng trung lưu trong suốt tháng 2 và nừa đầu tháng 3/2021, mực nước quan sát được tại các trạm Na-khon Pha-nôm và Mục-đa-hản của Thái Lan thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm từ 0,7 đến 1,0 m. Trong tháng 3/2021, báo chí Thái Lan cũng đã đưa tin về tác động của diễn biến này tới người dân Thái Lan.
Tại trạm Kra-chê của Campuchia, mực nước cũng được quan trắc thấy thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 0,5 m, nhưng vẫn cao hơn giá trị cùng kỳ của mùa khô lịch sử năm 2020.
Ở cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sông Mê Công chảy vào Việt Nam qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc, số liệu quan trắc mực nước trong tháng 2/2021 cho thấy mực nước đang giảm dần từ 1,5 m xuống còn 1,2 m. Tuy nhiên, cuối tháng 2, mực nước đã tăng trở lại do ảnh hưởng của triều cường. Tương ứng, lưu lượng dòng chảy Mê Công về Việt Nam giảm từ 5.500 m3/s xuống khoảng 4.000 m3/s. Tổng lượng dòng chảy trong tháng 02/2021 chỉ còn khoảng 11 tỷ m3 tương đương với giá trị trung bình nhiều năm và lớn hơn cùng kỳ năm 2020.
Do dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt giảm và gặp chế độ triều bất lợi nên hiện tượng xâm nhập mặn trong tháng 2/2021 tăng mạnh. Đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây đều vào sâu hơn trung bình nhiều năm từ 3 đến 8 km, nhưng vẫn ít hơn cùng kỳ năm 2020.
Dựa trên các kết quả dự báo về mưa trên Lưu vực sông Mê Công, mức độ sử dụng nước trên lưu vực và chế độ triều, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã dự báo diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2021 sẽ vẫn ở mức thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 10%. Mực nước tại trạm Tân Châu trong tháng 3/2021 dự báo sẽ dao động trong khoảng từ 0,9 m đến 1,4 m tùy theo chế độ triều. Tương ứng, lưu lượng dòng chảy tới tới Việt Nam dự kiến sẽ giảm dần xuống mức 3.000 m3/s. Tổng lượng dòng chảy tháng 3/2021 sẽ tiếp tục thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 10% và lớn hơn giá trị cùng kỳ năm 2020, và hiện tượng xâm nhập mặn sẽ vào sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 9 km nhưng vẫn không khốc liệt như năm ngoái.
"Do Lưu vực sông Mê Công đã bước vào chu kỳ La Nina, nên diễn biến mưa trên lưu vực sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, diễn biến tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công nói chung, và tình hình tài nguyên nước sông Mê Công tới Việt Nam nói riêng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp do tình hình gia tăng sử dụng nước và điều tiết vận hành cực đoan của các hồ chứa trong lưu vực. Mặc dù chúng ta có thể không phải trải qua một đợt hạn mặn khốc liệt như mùa khô năm ngoái, nhưng mùa khô năm nay vẫn sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm. Dự kiến, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiến tới đỉnh điểm của mùa khô năm nay vào cuối tháng 3 này với lưu lượng dòng chảy tới Việt Nam sẽ sụt xuống mức thấp nhất, và hiện tượng xâm nhập mặn có thể sẽ ở mức cao nhất" - Ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết.
Rút kinh nghiệm từ bài học mùa khô năm ngoái, Việt Nam đã có những bước đi chủ động trong phòng tránh hạn mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với mùa khô năm nay. Các tác động của hạn mặn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng đã được giảm thiểu, và đã được tổng kết tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mới được tổ chức ngày 13 tháng 3 năm 2021 tại thành phố Cần Thơ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam vẫn duy trì việc ra các Bản tin hàng tháng dự báo diễn biến tài nguyên nước sông Mê Công tới Việt Nam vào đầu tháng cùng với kết quả dự báo diễn biến tài nguyên nước cho tháng đó.
"Với chức năng mới là cơ quan thường trực giúp cho tổ chức lưu vực sông Cửu Long, Văn phòng Thường trực đã có báo cáo tổng kết diễn biến tài nguyên nước sông Mê Công cho mùa lũ năm 2020, và sẽ có Báo cáo tổng kết cho mùa khô năm 2020-2021 để giúp cho công tác điều hành của Lãnh đạo Ủy ban và hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương thành viên" - Ông Trung thông báo.