Ngày 04/4/2021, Để hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và Chương trình Trồng cây bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Hà đã tham gia Chương trình trồng cây bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy tại Thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La. Chương trình do Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với Công ty Thủy điện Sơn La tổ chức.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam Phạm Hồng Phương đã đến dự. Tại Chương trình, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng đoàn công tác và cán bộ Công ty Thủy điện Sơn La đã trồng cây xanh dọc bờ lòng hồ Thủy điện Sơn La. Đồng thời gắn biển lưu niệm "Hàng cây Bộ Tài nguyên và Môi trường".
Đây cũng là hoạt động thiết thực, góp phần hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, người lao động tại Công ty Thủy điện Sơn La trong việc trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên nước.
Trước đó, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng Đoàn công tác đã đến thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Hiện nay, Công ty Thủy điện Sơn La đang quản lý 2 công trình là Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu. Năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất của 2 nhà máy đạt 11,56 tỷ kWh, đạt 103,12% so với kế hoạch EVN giao. Ba tháng đầu năm 2021, sản lượng điện của Nhà máy Thủy điện Sơn La đạt hơn 1,4 tỷ kWh, Nhà máy Thủy điện Lai Châu đạt 369,8 triệu kWh.
Hàng năm, quá trình vận hành liên hồ chứa luôn được Công ty tuân thủ nghiêm ngặt; giám sát chặt chẽ mực nước hồ đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, dân sinh của các địa phương phía thượng lưu hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành các hồ Hòa Bình, Bản Chát, Huội Quảng trong đảm bảo an toàn chống lũ và nhu cầu sử dụng nước ở hạ du.
Đặc biệt, Công ty đã thành lập thí điểm Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà. Theo kế hoạch, sẽ hoàn thiện việc kết nối với 2 đập Huội Quảng và Bản Chát trong năm 2021, với đập Hòa Bình trong năm 2022. Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà cũng sẽ kết nối và hỗ trợ địa phương giám sát các thủy điện nhỏ do tỉnh Sơn La quản lý.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành đã ghi nhận sự đóng góp của Công ty Thủy điện Sơn La thời gian qua trong công tác đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, thông tin tới đơn vị các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Bộ TN&MT về lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn.
Thứ trưởng nhấn mạnh tới công tác xã hội hóa trong việc triển khai hoạt động quan trắc, nhờ công tác này, chỉ trong 3 năm gần đây, tổng số trạm đo mưa trên toàn quốc lên tới 1.500 điểm. Do đó, Công ty có thể kết nối việc mua số liệu để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát lưu lượng về hồ chứa thủy điện.
Bên cạnh đó, hiện nay, tại các nước trên thế giới, mỗi một lưu vực đều có Trung tâm vận hành kỹ thuật lưu vực để thu thập hết các số liệu, cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp và các nhà quản lý. Đây cũng là định hướng phát triển mà Bộ TN&MT đang hướng tới.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thấy lợi ích của việc có hệ thống thời gian thực, song quy trình vận hành thời gian thực phải đi sau hệ thống kỹ thuật thời gian thực một bước, vì đây là lưu vực đặc biệt, giữ an toàn cho thủ đô Hà Nội, do đó, cần phối hợp thử nghiệm, rút kinh nghiệm, để có thể thực hiện và nhân rộng trên các lưu vực.
Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam đã gửi lời cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Bộ TN&MT thời gian qua. Đồng thời, khẳng định: Vai trò của các nhà máy thủy điện trong đảm bảo an ninh năng lượng, vận hành an toàn hệ thống đang trở nên ngày càng quan trọng.
Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, đồng hành của Bộ TN&MT, cùng doanh nghiệp sớm triển khai theo hướng hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hướng tới vận hành hồ chứa đảm bảo thời gian thực. Nâng cao hiệu quả vận hành trên các lưu vực của các nhà máy thủy điện và mở rộng thêm trên toàn quốc.