(TN&MT) - Đó là khẳng định của lãnh đạo Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại tọa đàm trực tuyến "Duy trì hoạt động bảo vệ môi trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19" sáng 25/8.
Tọa đàm với sự chủ trì của TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ban thường vụ VACNE; ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng với các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ở đầu cầu Huế và TP. Hồ Chí Minh.
Tại Tọa đàm, các thành viên chủ trì đã trao đổi các vấn đề về nhữngnguy cơ tiềm ẩntrong mùa Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động bảo vệ môi trường, nguy cơ tác động tới môi trường biển, hoạt động ứng phó sự cố môi trường, đưa ra một số giải pháp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường,… đồng thời trả lời hàng chục câu hỏi từ các đại biểu tham dự từ mọi miền đất nước.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động từ kinh tế đến - xã hội. Các vấn đề môi trường vẫn gắn liền và song hành với đời sống và phát triển. Chúng ta vẫn phải xử lý các sự cố môi trường khi nó xảy ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã đến bảo vệ các khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, các vấn đề môi trường là vô cùng rộng lớn, có những yếu tố khó lường, có những vấn đề cần phải ưu tiên xử lý trong đại dịch Covid-19 và có nhhiều vấn đề môi trường nảy sinh từ chính đại dịch này.
Còn PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ban thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, về vấn đề môi trường biển và vùng ven biển, mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành “Báo cáo hiện trạng môi trường biển giai đoạn 2016-2020”, đưa ra cảnh báo một số vấn đề môi trường biển và các giải pháp tương ứng để cải thiện chất lượng môi trường biển. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với biến đổi đại đương đã, đang và sẽ tác động mạnh và lâu dài đến biển, đảo và vùng ven biển.
Hai hiện tượng đặc biệt này có thể nhận diện được thông qua các biểu hiện như: Nước biển dâng, nước biển ấm lên, axit hóa đại dương, thiếu hụt ôxy trong nước biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, gia tăng xói lở bờ biển, hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, sụt giảm trữ lượng các quần đàn thủy sản,... Ngoài ra, nhiều bãi rác thải nhựa lớn tồn lưu ở các vùng ven biển, đảo và đáy biển và các sự cố xả thải và tràn dầu vào môi trường biển vẫn tiếp tục diễn ra ngoài mong muốn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát với những tác động không dễ dự báo.
Theo ông Phạm Văn Sơn – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Đại dịch đã làm trì hoãn các công tác liên quan đến bảo vệ môi trường như kiểm tra, rà soát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường không thể triển khai; công tác thẩm định, phê duyệt các kế hoạch ứng phó sự cố; triển khai các kế hoạch ứng phó sự cố; tập huấn, diễn tập ứng phó sự phố cũng phải dừng lại do dịch bệnh.
Giữa năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho giá xăng, dầu giảm sâu, dẫn đến tình trạng người dân tận dụng tất cả những gì có thể chứa, đựng được dầu, ở trên biển, đặc biệt ở những nơi neo đậu đã biến thành kho chứa dầu di động, tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Trước thực trạng đó, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã rà soát, kiểm tra, cảnh báo tất cả nguy cơ đối với các cảng có lực lượng của Trung tâm để phòng ngừa, tránh xảy ra sự cố tràn dầu trên biển.
Trong quá trình thực hiện, đội ngũ của Trung tâm cũng phải đối mặt như với nguy cơ mắc Covid-19 cao bởi họ vẫn giao thương với các tàu cảng nước ngoài và lúc đó chúng ta chưa có vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 này, nguy cơ càng lớn, cả nước phải dồn toàn bộ nguồn lực, nhân lực để ứng phó dịch.
Trên cơ sở phân tích, các chuyên gia đều cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra những tác động khó lường, nguồn lực xã hội tiếp tục bị tiêu hao và cạn dần, kinh tế và đời sống người dân khó khăn hơn, thì các giải pháp “Chung sống với Covid” cần phải được quan tâm. Theo đó, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp tích cực để duy trì hoạt động bảo vệ môi trường trong diễn biến dịch bệnh Covid-19 như các địa phương tiếp tục duy trì hoạt bảo động bảo vệ môi trường, mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại hộ gia đình,..
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi cho hay, để tránh bị chia cắt nguồn lực trong bảo vệ môi trường biển, việc duy trì và kết nối thông tin với các nhà khoa học biển để nhận được những cảnh báo kịp thời là cần hơn lúc nào hết; phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác bảo vệ môi trường biển, ven biển, trên đảo; triển khai áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển; phát huy các sáng kiến, thúc đẩy sáng tạo các mô hình bảo vệ môi trường "tại chỗ", ngay cả đối với ứng cứu sự cố tràn dầu trên biển, ở ven bờ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã gửi lời chúc mừng tới Tọa đàm, cảm ơn hơn 1.500 đại biểu đã tham gia lần này. Đáp ứng với sự mong mỏi của các đại biểu tham dự, lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm tương tự trong thời gian sớm nhất, chủ đề tọa đàm sẽ được cập nhật trên các kênh thông tin của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
MÔI TRƯỜNG- Hoàng Ngân