(TN&MT) - Trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021, chiều 15/9, đã diễn ra Hội thảo “Đại dịch Covid -19 và Kế hoạch cấp nước thích ứng”. Hội thảo được tổ chức trên nền tảng trực tuyến với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, ngoại giao, khoa học, quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước của Việt Nam và Úc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp để ứng phó với các thách thức, đặc biệt đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn trong cấp nước có tầm quan trọng đặc biệt khi biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã và đang đe dọa tới sự tồn tại và phát triển kinh tế, xã hội và của các nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), đạidịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam - vốn là một trong 5 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu gây ra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu cũng là một trong những thách thức to lớn ở Việt Nam đối với vấn đề an ninh, an toàn trong cấp nước - dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu an sinh của người dân trong mọi hoàn cảnh.
Còn theo bà Hạ Thanh Hằng, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế của VWSA, đại dịch COVID-19 đã khiến nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra của các doanh nghiệp ngành nước giảm mạnh, dẫn đến chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng, và các doanh nghiệp đã phải giảm một số hoạt động tại các tỉnh và thành phố lớn.
Tại Úc, đại dịch đã ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp dịch vụ về nước, từ cấp nước và vệ sinh môi trường tới nước thải và tưới tiêu, cũng như khắc sâu sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận nguồn nước và vệ sinh, theo bà Sarah Ransom, Trưởng nhóm Đối tác và Tác động thuộc AWP.
Liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước ở Việt Nam cũng như ở Úc cùng chịu ảnh hưởng khi lũ lụt và hạn hán ngày một nghiêm trọng hơn, bà Ransom thuộc Cơ quan Hợp tác ngành nước Úc cho biết.
“Nhìn tới tương lai, Việt Nam sẽ đối mặt với những áp lực thiếu nước vào mùa khô trong những thập kỷ tới và cần rút kinh nghiệm từ thông lệ quốc tế về chính sách quản lý nguồn nước nhằm tối ưu hóa việc phân bổ nước và cải thiện tính bền vững của nguồn nước. Đặc biệt, việc phối hợp của chính quyền và địa phương trong việc quản trị hiệu quả nguồn nước cũng như việc chia sẻ dữ liệu sử dụng nước sẽ giúp các nhà quản lý hoạch định tốt hơn kế hoạch hành động cho tương lai” - ông Abhinav Goyal, Giám đốc các dự án vốn và hạ tầng của Công ty Tư vấn PWC Việt Nam phát biểu tại diễn đàn, đồng thời, đề xuất một kế hoạch hành động cụ thể cho Việt Nam hướng tới tăng trưởng dựa vào ngành Nước.
TÀI NGUYÊN NƯỚC- Việt Khang