Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT: Cần hiểu đúng về tác động tới doanh nghiệp

  • Thứ năm, 09 23 2021
  • Written by  https://baotainguyenmoitruong.vn/

(TN&MT) - Trước ý kiến của một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường khi cho rằng sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường cho doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có thông tin phản hồi.

Theo đó, các ý kiến phản ánh đã dựa trên bản dự thảo Nghị định được đưa ra tại buổi làm việc ngày 30/8, chưa phải là bản dự thảo mới nhất mà Bộ đã tiếp thu, hoàn thiện và gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định. Vậy dự thảo Nghị định mới đã chỉnh sửa và quy định ra sao về các vấn đề còn đang khiến doanh nghiệp băn khoăn?

4645 image001Dự thảo Nghị định đơn giản hóa nhiều thủ tục về môi trường cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Giảm 18 thủ tục hành chính, tích hợp 7 loại giấy phép

Bộ TN&MT cho biết, Dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách TTHC theo quy định của Luật BVMT 2020; trong đó, đã giảm 18 TTHC so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 07 loại giấy phép, xác nhận gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xả khí thải công nghiệp, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH), Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH vào 01 GPMT.

“Như vậy, nếu như trước đây thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ thì theo Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 01 thủ tục là đề nghị cấp GPMT” – Thông cáo của Bộ TN&MT nêu rõ.

Về đối tượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp GPMT: Một số hiệp hội, báo chí cho rằng trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin GPMT, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin GPMT là không có cơ sở.

Bởi Khoản 1 Điều 30 Luật BVMT quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa….Điều 39 Luật BVMT cũng quy định rõ về đối tượng phải có GPMT. Vì thế, quy định về đối tượng phải thực hiện ĐTM và GPMT trong Dự thảo Nghị định là đúng quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục cấp GPMT: Dự thảo Nghị định mới (bản cập nhật đến ngày 16/9/2021 và gửi Bộ Tư pháp thẩm định) đã tiếp thu nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp tại buổi làm việc ngày 30/8/2021 theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp GPMT như: chỉnh sửa nội dung báo cáo đề xuất cấp GPMT đơn giản hơn, phù hợp với từng đối tượng được cấp GPMT, trong đó chỉ yêu cầu các thông tin liên quan đến các công trình BVMT đã hoàn thành, kết quả thanh tra, kiểm tra, quan trắc môi trường, ...; bỏ trình tự về thông báo việc nộp phí thẩm định cấp GPMT; đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 01 lần (theo Dự thảo cũ thì thực hiện 02 lần khi tiếp nhận hồ sơ và khi thành lập đoàn kiểm tra).

Về thành phần hồ sơ chỉ yêu cầu báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng thực hiện ĐTM (đối với dự án đã có báo cáo ĐTM hoặc cơ sở đang hoạt động thì không phải nộp bất cứ tài liệu gì ngoài văn bản đề nghị và báo cáo đề xuất cấp GPMT; đối với trường hợp điều chỉnh GPMT thì chỉ phải nộp văn bản đề xuất điều chỉnh).

Quy trình cấp GPMT cũng được quy định đơn giản hóa theo tính chất của dự án, như trường hợp các dự án không có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm và trường hợp điều chỉnh GPMT thì được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong thời gian không quá 15 ngày (rút ngắn 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của cấp bộ và 15 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của cấp tỉnh, cấp huyện so với thời hạn theo quy định của Luật BVMT 2020); tăng cường thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.

Theo Bộ TN&MT, ý kiến cho rằng phần lớn doanh nghiệp phải trải qua 02 lần thẩm định và 02 lần kiểm tra thực địa (khi thẩm định ĐTM và khi thẩm định, cấp GPMT) là không phản ánh đúng nội dung của Luật BVMT 2020 cũng như quy định chi tiết nội dung này trong Dự thảo Nghị định.

 Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật BVMT 2020, trong trường hợp cần thiết cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM mới tổ chức khảo sát thực tế khu vực dự kiến triển khai dự án để phục vụ công tác thẩm định ĐTM, đây không phải là hoạt động kiểm tra. Đối với việc cấp GPMT, Dự thảo Nghị định cũng chỉ quy định trong trường hợp cần thiết đối với các dự án thuộc nhóm I, nhóm II, cơ quan cấp GPMT mới thành lập đoàn kiểm tra.

“Theo quy định của Luật BVMT và Dự thảo Nghị định, các dự án xây dựng cầu, đường không thuộc đối tượng phải có GPMT, do đó ý kiến cho rằng “các dự án này không thể cấp được GPMT vì không có công trình xử lý chất thải” là chưa đúng” – Bộ TN&MT khẳng định.

Tiếp thu góp ý, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Được biết, Dự thảo Nghị định đến ngày 16/9/2021 gửi Bộ Tư pháp thẩm định đã được tiếp thu, chỉnh lý theo nhiều ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp.

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã không quy định mức xả thải càng lớn thì phải thực hiện tần suất quan trắc định kỳ càng nhiều (6 hoặc 12 lần/năm). Thay vào đó, quy định tần suất quan trắc thực hiện như quy định hiện hành nhưng chỉ áp dụng đối với nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 200 m3/ngày đối với loại hình gây ô nhiễm và trên 500 m3/ngày đối với loại hình khác) và nguồn khí thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 50.000 m3/giờ…). Đặc biệt, đối với các dự án, cơ sở thực hiện tốt công tác BVMT trong 03 năm liên tiếp với kết quả quan trắc chất thải đạt QCVN và kết quả thanh tra, kiểm tra không vi phạm hành vi xả thải vượt QCVN thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời hạn của GPMT.

2133 quan trac 2Nếu thực hiện tốt BVMT trong 3 năm liên tiếp, doanh nghiệp được miễn quan trắc định kỳ (Ảnh minh họa)

Về đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục, Dự thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid- 19 và chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31/12/2024. Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này.

Từ ngày 01/01/2025, dự án, cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với các thông số ô nhiễm đặc trưng của nguồn thải thì được miễn thực hiện quan trắc chất thải định kỳ.

Kế thừa quy định hiện hành quy định mức lưu lượng xả nước thải từ 500 m3/ngày trở lên đối với trường hợp thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và từ 1.000 m3/ngày trở lên đối với các trường hợp còn lại.

Đặc biệt, theo lộ trình Chính phủ quy định và với đặc trưng riêng của các thiết bị xả, bụi khí thải, trước mắt yêu cầu các dự án, cơ sở có phát sinh bụi, khí thải với lưu lượng rất lớn (trên 100.000m3/giờ) thực hiện quan trắc tự động, liên tục; các trường hợp xả bụi, khí thải lớn (từ 50.000m3/giờ đến dưới 100.000m3/giờ) nếu thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, tự động liên tục thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ.

Ngoài ra, đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm công bằng cho các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định hiện hành (được miễn thực hiện quan trắc định kỳ nếu tiếp tục duy trì hệ thống này).  

Đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế không phải là thuế, phí

Bàn về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), Bộ TN&MT cho rằng, ý hiểu “Dự thảo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc áp dụng ngay ở mức 80-90%” là phản ánh chưa đúng nội dung quy định này, có sự hiểu nhầm với tỷ lệ thu hồi tối thiểu của nguyên liệu, vật liệu trong bao bì, sản phẩm. Dự thảo Nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. Việc xác định tỷ lệ tái chế cụ thể sẽ do Hội đồng EPR quốc gia (bao gồm các Bộ, đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu và đại diện một số tổ chức, chuyên gia có liên quan) thảo luận, quyết định trên cơ sở công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu, mục tiêu tái chế quốc gia và tình hình kinh tế-xã hội của từng giai đoạn.

Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế: Đây là nội dung được quy định tại Điều 54 Luật BVMT 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế đây, không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. Việc đóng khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tái chế liên quan đến các sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng khoản tiền này, Dự thảo Nghị định quy định nhà sản xuất, nhập khẩu tham gia Hội đồng EPR quốc gia để quyết định và giám sát việc sử dụng khoản tiền này hiệu quả, đúng mục đích.

Các cơ sở chế biến thủy sảncó nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Trước ý kiến băn khoăn về quy định các cơ sở chế biến thủy sản thuộc Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT khẳng định: Đây không phải là quy định mới của Dự thảo Nghị định mà đã được kế thừa quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ và đã được triển khai thực hiện ổn định cho đến nay.

che-bien-ca-tra 1587489111Loại hình chế biến thủy sản thường phát sinh nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao (Ảnh minh họa)

Quy định này xuất phát từ lý do đặc thù của loại hình chế biến thủy sản thường phát sinh nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, lưu lượng xả thải lớn, vị trí sản xuất thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và nơi có nhiều cư dân, ngư dân sinh sống, nước thải có nguy cơ gây phú dưỡng, ảnh hưởng đến môi trường và các hệ sinh thái ven sông, ven biển. Thông số ô nhiễm amonia có tính độc cao đối với các loài sinh vật nên các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước cấp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có kiểm soát chặt chẽ các thông số chất ô nhiễm liên quan đến Nitơ do ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng.

Ngoài ra, các cơ sở chế biến thủy sản thường phát sinh mùi hôi, khó xử lý và kiểm soát gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Do đó, việc quy định loại hình này thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn là cần thiết, phù hợp với các quy định của quốc tế; qua đó sẽ tạo thuận lợi cho các sản phẩm chế biến thủy sản của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu về BVMT khi tham gia vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, loại hình này cũng chỉ được xếp vào mục III là nhóm có nguy cơ thấp nhất so với các loại hình thuộc mục I và mục II.

Với tinh thần cầu thị, Bộ TN&MT mong muốn tiếp tục tiếp nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành./.

assocprofdr-cao-the-ha-1548067054PGS. TS. Cao Thế Hà, Cố vấn khoa học Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Trao đổi thêm về nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường của các cơ sở chế biến thủy sản, PGS.TS Cao Thế Hà – chuyên gia về kỹ thuật môi trường, Cố vấn khoa học, Trường Đại học Việt Nhật chia sẻ:

Những năm gần đây, ngành thủy sản của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh. Việt Nam đứng ở top 3 các nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới. Với doanh số hàng chục tỷ USD, sản lượng gần chục triệu tấn/năm, sự phát triển của ngành thủy sản cũng tỷ lệ thuận với tác động lên môi trường.

Ngoài việc chế biến thủy sản gây phát sinh mùi thì nước thải là vấn đề đáng quan ngại. Thực tế cho thấy, các cơ sở chế biến dù đã chú trọng xử lý nước thải nhưng do tải lượng quá lớn dẫn đến việc phát sinh ra môi trường. Điều đáng quan ngại ở nước thải của cơ sở chế biến thủy sản không phải là các kim loại nặng, mà đáng lưu ý nhất là chỉ số Nitơ. Nồng độ Nitơ quá cao sẽ ảnh hưởng đến các loài tôm, cá đang sinh sống, tác động đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Nước thải trong chế biến thủy sản nếu không được xử lý sẽ tác động đến 3 lĩnh vực, đó là: nuôi trồng thủy sản, chất lượng nước và ngành du lịch. Chính vì vậy, phải kiểm soát được các thông số ô nhiễm trong nước thải.

Nhìn nhận rộng hơn, một trong những tiêu chí khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại với các nước phát triển là phải đảm bảo tiêu chí môi trường. Với tinh thần bao trùm của Luật BVMT 2020, việc quy định các ngành có trách nhiệm với môi trường là cần thiết. Ngành nọ phải tính đến nhu cầu của ngành kia. Đó là sự cộng sinh trong công nghiệp. Và có như vậy, chúng ta mới phát triển bền vững./.

MÔI TRƯỜNG- Tống Minh

Read 1452 times
Rate this item
(1 Vote)
  • Tin xem nhiều nhất
  • Tin mới nhất
  • Gặp mặt nguyên các lãnh đạo Liên đoàn nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021
    Nhân dịp đón xuân mới, Xuân Tân Sửu– 2021, sáng ngày 28/01/2021, tại trụ sở Liên đoàn số 10, ngõ…
    Thứ năm, 28 Tháng 1 2021
  • THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
    Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thông báo tuyển dụng viên chức năm 2021…
    Thứ sáu, 02 Tháng 4 2021
  • Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân
    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Quý…
    Thứ bảy, 21 Tháng 1 2023
  • Happy New Year 2025 from NVWATER
    On the occasion of the New Year 2025, on behalf of the Northern Division for Water Resources Planning and Investigation…
    Thứ ba, 31 Tháng 12 2024
  • LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025
    Nhân dịp xuân mới 2025, thay mặt Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Tôi…
    Thứ ba, 31 Tháng 12 2024
  • Hợp nhất hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ thành mô hình đáng tự hào trong kỷ nguyên phát triển mới
    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển…
    Chủ nhật, 22 Tháng 12 2024

CMNM 2025

18103396
Hôm nay
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
14780
73072
309513
18103396

Địa chỉ IP: 18.116.19.19
Giờ máy chủ: 2025-01-07 03:20:42

Who's Online

Đang có 1237 khách và không thành viên đang online

nwater full2 backgroundTRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC

Chịu trách nhiệm nội dung: Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc - Trung tâm QH&ĐTTNN quốc gia
Địa chỉ: Số 10 - Ngõ 42 - Phố Trần Cung - Phường Nghĩa Tân- Quận Cầu Giấy - TP.Hà Nội
Điện thoại: 024.38.362.947 - Fax: 024.37.560.035
Email: vpldtnnmb@gmail.com