(TN&MT) - Sáng 7/10, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Viet Nam), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF), Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt Trang thông tin điện tử và chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa”.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCS TNMT) cho biết: Rác thải nhựa thực sự là vấn đề đáng báo động hiện nay. Do đó, chúng ta cần chung tay để từng bước giảm rác thải nhựa tại Việt Nam. Hiện nay, Viện CLCS TNMT nỗ lực thực hiện các hoạt động nghiên cứu và thực tiễn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam. Viện đang phối hợp với Sở Công Thương TP. Hà Nội triển khai Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần tại Việt Nam” (Dự án Plastic Alliance). Đây là một sáng kiến thuộc Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh Châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển Liên bang Đức tài trợ và do Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam nhằm huy động sự tham gia của các nhà bán lẻ trong việc giảm túi ni-lông sử dụng một lần.
Chiến dịch truyền thông trực tuyến “Chung tay giảm chất thải nhựa” là một trong các hoạt động truyền thông của Dự án Plastic Alliance. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ có nhiều hình thức truyền thông đa dạng nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi của toàn xã hội như: Phim ca nhạc “Những chiếc túi biến mất;” triển lãm ảnh trực tuyến “Túi xanh đi chợ, nội trợ thông minh;” tổ chức cuộc thi hát cổ động “Những chiếc túi biến mất”.
Bên cạnh đó, chiến dịch sẽ xây dựng và đăng tải các sản phẩm truyền thông trên Trang thông tin điện tử https://chungtaygiamnhua.com/, tổ chức các hoạt động truyền thông và huy động thêm các đối tác đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thuý – Giám đốc Chương trình Giảm rác thải nhựa của WWF-Việt Nam, giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có một phương pháp tiếp cận tổng hợp, có trách nhiệm và hành động phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, người tiêu dùng và đặc biệt là các doanh nghiệp. Do đó, trong khuôn khổ hợp tác lần này, WWF đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức cho công chúng về giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời thúc đẩy các thực hành kinh doanh và tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, bà Fanny Quertamp, đại diện Expertise France cũng khẳng định, thông qua dự án thí điểm Plastic Alliance, Liên minh Châu Âu và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực giảm rác thải nhựa đại dương, bằng cách tuyên truyền, vận động các siêu thị, nhà bán lẻ và người tiêu dùng thay đổi thói quen, nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông dùng một lần.
MÔI TRƯỜNG- Hoàng Ngân