(TN&MT) - Thời gian qua, các địa phương ở Việt Nam có công viên địa chất được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu đã tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản địa chất, đồng thời chú trọng công tác truyền thông để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Du lịch địa chất tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Là tỉnh đầu tiên có Công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam, Hà Giang đã khá thành công trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản địa chất này. Theo quy định của UNESCO, định kỳ 4 năm 1 lần, tổ chức này sẽ tái thẩm định và đánh giá sự phát triển của từng công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận từ năm 2010 và đã 3 lần thành công trong việc bảo vệ danh hiệu này.
Theo thống kê, kể từ khi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu, lượng khách du lịch đến Hà Giang mỗi năm đều tăng 10%. Tính riêng trong năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đã đạt trên 1 triệu lượt người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, các cấp, các ngành và từng chủ thể trên vùng Cao nguyên đá cũng tập trung vào công tác bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động quảng bá du lịch được xúc tiến mạnh mẽ, nhiều tour, tuyến du lịch được mở mới. Vì vậy, năm 2020, lượng du khách đến với Hà Giang đạt trên 1,5 triệu người; doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng. Hà Giang cũng nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Những con số này cho thấy rõ sự thay đổi tích cực của Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 4,57% trong năm 2018, còn trên 50%. Trung bình hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt 6%/năm. Mức thu nhập của người dân năm sau cao hơn năm trước.
Để bảo vệ danh hiệu, Hà Giang vừa phải giữ gìn được vẻ đẹp của các di sản địa chất, vừa phải tạo ra các giá trị phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng người dân bản địa nơi đây.
Nhận thức rõ điều này, tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 - 2020”, quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch các thị trấn thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng quan tâm gìn giữ không gian văn hóa các dân tộc và phát triển hạ tầng đáp ứng sự phát triển của du lịch sinh thái.
Đẩy mạnh truyền thông
Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là di sản địa chất được công nhận sau Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đang trên đà phát huy những giá trị di sản.
Theo đó, Cao Bằng đã tích cực tổ chức truyền thông giới thiệu các điểm cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, di sản diện mạo địa chất công viên địa chất như: hệ thống hang động Ngườm Pục (Thạch An), hang Dơi (Hạ Lang), động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Pác Bó (Hà Quảng); hệ thống sông, suối, hồ gồm: sông Quây Sơn, thác Bản Giốc (Trùng Khánh); suối Lê-nin (Hà Quảng), hồ Thang Hen (Trùng Khánh); rừng nguyên sinh Phja Oắc (Nguyên Bình); rừng Thạch An; vườn đá Hoàng Tung (Hòa An); Cúc đá Lũng Nặm, thung lũng núi đá Lục Khu (Hà Quảng); đèo Mã Phục, núi Mắt thần (Trùng Khánh)… để khách d lịch và người dân tăng hiểu biết, góp phần gìn giữ, bảo vệ, hệ sinh thái, cảnh quan, ô nhiễm môi trường.
Còn tại Đắk Nông, tỉnh đang trong giai đoạn đưa ra các kế hoạch hành động để phát huy giá trị di sản địa chất độc đáo của mình. Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã được tổ chức UNESCO công nhận vào tháng 7/2020. Danh hiệu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông mà còn góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương thành di sản chung của toàn nhân loại. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Nông thu hút đầu tư vào khu du lịch trọng điểm, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông hiện mới bắt đầu các bước đầu tư, xây dựng, nên cần quảng bá, truyền thông để cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn giá trị và yêu cầu bảo vệ, phát huy các giá trị. Do đó, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền sâu rộng hơn.
KHOÁNG SẢN- Phạm Hoài - Lan Chi