Chiều ngày 18/8/2023, Nhóm nghiên cứu về quản trị thông minh và phát triển nguồn nước của Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã cùng với Bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đề xuất các nội dung đổi mới trong quản lý tài nguyên nước của Việt Nam về quản trị thông minh và phát triển kinh tế tài nguyên nước”.
Tham dự buổi sinh hoạt về phía Liên đoàn có Ông Nguyễn Chí Nghĩa (Liên đoàn trưởng) là chủ nhiệm dự án nghiên cứu, trưởng đoàn cùng các viên chức nhóm IV của dự án.
Về phía Bộ môn Kinh tế-quản lý TN&MT, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: PGS.TS Nguyễn Công Thành (Trưởng Bộ môn), ThS. Nguyễn Quang Hồng (Phó Trưởng Bộ môn), cùng toàn thể giảng viên bộ môn cùng các bạn sinh viên trong Khoa.
Mở đầu cuộc tọa đàm, Ông Nguyễn Chí Nghĩa đã giới thiệu về Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc; giới thiệu cập nhật về nghiên cứu quản trị thông minh và phát triển tài nguyên nước trong quá trình sửa đổi Luật tài nguyên nước và chia sẻ kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xác lập mô hình quản trị tài nguyên nước thông mình, đề xuất các nội dung bổ sung cơ chế về xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng.
Trong đó đã nhấn mạnh các nội dung căn bản của mô hình quản trị tài nguyên nước thông minh là gắn giữa mục tiêu quản trị với nguồn lực xã hội, hạ tầng công nghệ để xây dựng chiến lược quản trị từ đó làm căn bản để quản lý nhà nước về tài nguyên nước tổ chức hoàn thiện các văn bản pháp luật, tổ chức quản lý nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Trong đó mô hình quản lý tài nguyên nước thông minh được dựa trên nền tảng của mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên nước kết hợp với thông tin và truyền thông. Nội dung yếu tố quan trọng quyết định nội hàm quản lý tài nguyên nước thông mình là hình thành dòng chảy dữ liệu. Cần quy định rõ việc quản lý dự liệu từ nguồn đến các quy định về dự liệu, lưu trữ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu được cập nhật liên tục phục vụ quản lý, ra quyết định
Về nội dung góp ý đổi mới quản lý và thúc đẩy kinh tế hóa, xã hội hóa, Ông Nguyễn Chí Nghĩa đã chỉ ra cần phải bổ sung các quy đinh về sự tham gia của cộng đồng thông qua ba mô hinh là: 1) mô hình công, ở đó các tổ chức công có trách nhiệm trực tiếp phụ trách việc cung cấp và quản lý dịch vụ hoặc ủy thác cho một tổ chức quản lý thuộc sở hữu công; 2) mô hình hỗn hợp, trong đó thường có một tổ chức công (thường là chính quyền địa phương) và một số công ty tư nhân cùng thực hiện quản lý tài nguyên và thực hiện các dịch vụ về nước; hoặc mô hình tư nhân quản lý dịch vụ nước dưới sự chỉ định của tổ chức công. Công ty tư nhân đó có trách nhiệm thực hiện quản lý các dịch vụ theo hợp đồng. Trong trường hợp này quyền sở hữu công đối với cơ sở hạ tầng vẫn thuộc trách nhiệm của tổ chức công; 3) Mô hình tư nhân phụ trách tất cả các nhiệm vụ quản lý, đầu tư các dịch vụ nước, bao gồm cả cơ sở hạ tầng theo thỏa thuận cho phép từ các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Chí Nghĩa cũng nêu bật các đề xuất để thảo luận, tọa đàm về kinh tế hóa, xã hội hóa.
Tham gia Tọa đàm, về phía Bộ môn có rất nhiều ý kiến tham luận, các nhóm ý kiến tập trung về quy định lượng giá tài nguyên nước; các điều khoản thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để không chỉ nâng cao năng lực quản lý từ trung ương đến địa phương mà còn để mang đến cho người dân và doanh nghiệp sự thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ về tài nguyên nước; làm rõ về các nội dung, công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, của xã hội vào các hoạt động quan trắc giám sát, điều tra cơ bản tạo nguồn thông tin dữ liệu đến các quy định để tạo dòng chảy, minh bạch thông tin phục vụ quản lý thông minh tài nguyên nước; trao đổi các quy định về quyền tiếp cận thông tin sao cho nâng cao được hiệu quả quản lý và tính công bằng trong xã hội. Trong các ý kiến tham luận cũng đề cập nhiều đến khía cạnh rằng các quy định của Luật sửa đổi lần này không chỉ tạo hành lang pháp lý thông thoáng khuyến khích và huy động được nguồn lực của xã hội, và cũng để tạo nguồn lực để đóng góp cho đất nước tăng nguồn lực đầu tư phát triển.
Kết thúc buổi tọa đàm, hai bên đã thống nhất xác định được các nội dung để tiếp tục trao đổi nhằm đóng góp cụ thể vào sửa đổi luật tài nguyên nước về nội dung quản trị thông minh và kinh tế hóa, xã hội hóa. Ngoài ra, để tăng cường hợp tác giữa nhà trường, khoa và bộ môn với Liên đoàn thì việc đề xuất được các nội dung đồng nghiên cứu ở các mức độ cũng được thống nhất để triển khai. Tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp sau khoảng hơn 3 tiếng liên tục. Liên đoàn cam kết sẽ tạo điều kiện để các sinh viên của Bộ môn, Khoa đến thực tập. Cuộc tọa đàm kết thúc vào 17h15 cùng ngày và hai bên đã vui vẻ ghi lại các hình ảnh của các thành viên tham dự.
Một số hình ảnh trong buổi giao lưu, sinh hoạt:
Phạm Thị Mai Thanh