Sáng nay (22/11/2023), tại trụ sở Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc số 10 - ngõ 42 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững".
Đến dự và chủ trì cuộc họp có đồng chí Nguyễn Chí Nghĩa - Liên đoàn trưởng Liên đoàn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; Luyện Đức Thuận – Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng dự họp có các đồng chí thành viên Hội đồng nghiệm thu theo Quyết định số 493/TNNMB - KHTC ngày 13/11/2023 của Liên đoàn QH & ĐT TNN MB.
Mục tiêu của Dự án:
Đánh giá được sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình; đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
A. Các kết quả đạt được
Các nội dung, khối lượng 6 tháng cuối năm 2023 của dự án đều được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ các quy định hiện hành, đạt chất lượng, mục tiêu năm 2023. Các kết quả cụ thể như sau:
1. Đánh giá sức chịu tải và khả năng tiếp nhận nước thải
Công tác tính toán, đánh giá sức chịu tải đã được thực hiện tuân theo hướng dẫn tại thông tư số 76/2017/TT-BTNMT, thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và hướng dẫn của Tổng cục môi trường (nay là Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường) tại Quyết định số 154/QĐ-TCMT.
Dự án đã tiến hành đánh giá khả năng tiếp nhận, sức chịu tải cho 58 đoạn sông và phân đoạn sông. Trong đó 43 đoạn sông đánh giá bằng phương pháp gián tiếp, 15 đoạn sông ảnh hưởng triều đánh giá bằng phương pháp mô hình
Kết quả tính toán sức chịu tải trên các đoạn sông cho thấy 58/58 đoạn sông vẫn còn khả năng tiếp nhận đối với các thông số COD, BOD5, 57/58 đoạn sông còn khả năng tiếp nhận đối với thông số NH4+ (N), 36/58 đoạn sông còn khả năng tiếp nhận đối với thông số tổng N và 57/58 đoạn sông còn khả năng tiếp nhận đối với thông số tổng P. Như vậy, kết quả tính toán cho thấy một số đoạn sông đã không còn khả năng tiếp nhận đối với một số thông số, đặc biệt có 22/58 đoạn sông không còn khả năng đối với tổng N.
2. Công tác lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt
Về thực trạng phân bố các nguồn thải và tải lượng ô nhiễm: Tải lượng các nguồn thải đối đối với 5 thông số đánh giá sức chịu tải ứng với từng đoạn/phân đoạn sông cho thấy tải lượng BOD5: từ 15,5 kg/ngày (SH10) đến 17.721 kg/ngày (SH11); Tải lượng COD: từ 25,9 kg/ngày (SH10) đến 26.853 kg/ngày (SH11); Tải lượng NH4+ (tính theo N): từ 1,5 kg/ngày (SH10) đến 21.491 kg/ngày (SH11); Tải lượng Tổng Nitơ: từ 7,0 kg/ngày (SH10) đến 24.405 kg/ngày (SH11); Tải lượng Tổng Phosphor: từ 0,3 kg/ngày (SH10) đến 2.243 kg/ngày (SH11).
Về hiện trạng khả năng chịu tải, hạn ngạch xả thải, phân vùng xả thải:
- Giai đoạn 2025:
+ Sông Hồng: Đoạn sông thuộc vùng đồng bằng thì có 05 đoạn sông, trong đó có 04/05 không còn khả năng tiếp nhận chất ô nhiễm T-N, 02/05 đoạn không còn khả năng tiếp nhận T-P, 02/05 đoạn không còn tiếp nhận COD và BOD5.
Đoạn sông SH12 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N).
Đoạn sông SH13 có 03/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N, T-P và BOD5).
Đoạn sông SH14 có 02/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N, T-P).
Đoạn sông SH15 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N).
+ Sông Luộc: bao gồm 03 đoạn sông, trong đó có 02 đoạn sông có các thông số không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải, trong đó:
Đoạn sông SLu2 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số COD).
Đoạn sông SLu3 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N).
+ Sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Văn Úc, sông Đuống vẫn còn khả năng tiếp nhận các chất ô nhiễm trong giai đoạn 2025.
- Giai đoạn 2030:
+ Sông Hồng: Đoạn sông thuộc vùng đồng bằng thì có 05 đoạn sông, trong đó có 04/05 không còn khả năng tiếp nhận chất ô nhiễm T-N, 02/05 đoạn không còn khả năng tiếp nhận T-P, 02/05 đoạn không còn tiếp nhận COD và BOD5.
Đoạn sông SH12 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N).
Đoạn sông SH13 có 04/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N, T-P, COD và BOD5).
Đoạn sông SH14 có 04/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N, T-P, COD và BOD5).
Đoạn sông SH15 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N).
+ Sông Luộc: bao gồm 03 đoạn sông, trong đó có 02 đoạn sông có các thông số không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải, trong đó:
Đoạn sông SLu2 có 02/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số COD và BOD5).
Đoạn sông SLu3 có 01/05 chất ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận (thông số T-N).
+ Sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Văn Úc, sông Đuống vẫn còn khả năng tiếp nhận các chất ô nhiễm trong giai đoạn 2030.
Về biện pháp quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm: Xác định được lộ trình cắt giảm tải lượng ô nhiễm theo kịch bản phát thải có thể xảy ra trong tương lai nhằm kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tác động. Đảm bảo ổn định, bền vững mục tiêu sử dụng chất lượng nước trong vùng theo Kế hoạch.
3. Hoàn thiện hồ sơ sản phẩm
Đã hoàn thiện các sản phẩm của toàn dự án theo các hạng mục trong đề cương đặt hàng và các quy định liên quan phục vụ công tác nghiệm thu và phê duyệt kết quả dự án.
B. Đánh giá mức độ hoàn thành
Các dạng công việc đều thực hiện theo mục tiêu, nhiệm vụ bước Dự án đã đề ra, nhìn chung đạt yêu cầu về chất lượng và hoàn thành khối lượng được duyệt.
Kết quả, nhóm đã thực hiện hoàn thành kế hoạch khối lượng được giao, các kết quả đảm bảo độ tin cậy và đạt được những mục tiêu đã đề ra ban đầu; cùng với đó đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã tham gia ý kiến, góp ý với dự thảo kết quả đề án.
Kết thúc cuộc họp, đồng chí Nguyễn Chí Nghĩa, Liên đoàn trưởng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu thay mặt Hội đồng nghiệm thu ghi nhận những kết quả mà nhóm thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện và nhất trí thông qua kết quả năm 2023 và báo cáo tổng hợp kết quả năm 2023 trên cơ sở đơn vị thực hiện phải chỉnh sửa, bổ sung dự thảo theo ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng; đồng thời yêu cầu đơn vị đề xuất, đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính thực tiễn của nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo./.