Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc (Liên đoàn) được thành lập ngày 15 tháng 3 năm 1974. Sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển Liên đoàn đã có nhiều thành công về mọi mặt. Theo tiến trình đổi mới của đất nước, của lĩnh vực, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Liên đoàn đã có nhiều thay đổi. Để có thêm những định hướng trong xây dựng và phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Liên đoàn cần phải tổ chức đánh giá được toàn diện về cơ cấu tổ chức, nguồn lực hiện có, các thành tựu và hạn chế; xây dựng được mục tiêu phát triển; hình thành được chiến lược và các quy định để toàn thể viên chức và người lao động thực hiện nhằm mang “giá trị đích thực” cho đất nước, lĩnh vực, khách hàng và người lao động toàn Liên đoàn.
1. Ngay sau khi được thành lập năm 1974, Lãnh đạo Liên đoàn đã nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng lao động và từng bước đổi mới phương thức lao động, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quan hệ sản xuất. Quá trình này diễn ra liên tục qua các giai đoạn Liên đoàn được thay đổi nhiệm vụ và đổi tên từ Liên đoàn 2 Địa chất Thủy văn sang Liên đoàn Địa chất Thủy văn - Địa chất công trình miền Bắc và đến nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc. Việc thay đổi để thích ứng và hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động phản ánh sự vận động và phát triển không ngừng của Liên đoàn qua các thời kỳ.
2. Giai đoạn 2020-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Liên đoàn nhiệm kỳ 2020-2025, Liên đoàn đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tái cơ cấu; bước đầu lộ trình nâng cao năng lực kỹ thuật - mô hình số - dữ liệu số và chuyển đổi số; tổ chức huy động mọi nguồn lực, làm chủ khoa học công nghệ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị cấp trên giao; đổi mới, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công, thích ứng với nền kinh tế thị trường; bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho viên chức và người lao động; thường xuyên tổ chức tập huấn, cử cán bộ đi đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện các nhiệm vụ khó; không ngừng mở rộng hợp tác trong và ngoài nước để nâng cao vị thế và uy tín của Liên đoàn.
Bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều góc khuất, điểm yếu cần được chuyển biến như: 1. Về nguồn nhân lực, chưa thu hút được nguồn nhân sự kỹ thuật số chất lượng cao, việc nâng cao năng lực kỹ thuật số cho nhân sự hiện tại còn nhiều hạn chế, người lao động còn tâm lý ngại thay đổi, động lực chuyển đổi chưa cao, một số trường hợp có biểu hiện thiếu hợp tác khi được yêu cầu áp dụng kỹ thuật số trong thực hiện công việc. 2. Về kỹ thuật công nghệ, Liên đoàn đã giành nguồn lực để phát triển và cập nhật các công nghệ số, thường xuyên đôn đốc các chủ nhiệm dự án, nhiệm vụ áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào tổ chức thực hiện công việc. Tuy nhiên chưa xây dựng được quy trình công nghệ số để áp dụng đại trà, các công nghệ áp dụng còn thiếu đồng bộ, sự đồng thuận về áp dụng công nghệ giữa các đơn vị và trong viên chức và người lao động chưa cao. 3. Về trang thiết bị - phần mềm còn thiếu nhiều, một số công đoạn trong quan trắc đã có thiết bị tự động nhưng thiếu đồng bộ, thiếu dự phòng thay thế, chưa có nguồn lực để trang bị rộng rãi; danh mục phần mềm, ứng dụng phân tích, xử lý số liệu, AI … phục vụ quản lý, hỗ trợ ra quyết định còn rất hạn chế.
3. Liên đoàn đang đứng trước yêu cầu phải “đổi mới toàn diện”, cải cách mạnh mẽ để nâng cao năng lực kỹ thuật, công nghệ số tạo động lực và khả năng cao cho hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị và tăng cường cung cấp dịch vụ cho xã hội theo định hướng của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Trong giai đoạn tới, Liên đoàn cần có định hướng cụ thể về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tạo ra sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng lao động. Chuyển đổi số của Liên đoàn phải được gắn liền với các hoạt động quy hoạch, điều tra, quan trắc, bảo vệ và cung cấp dịch vụ tài nguyên nước, tạo dựng quan hệ sản xuất mới “quan hệ sản xuất số”. Trong đó, đặc trưng của quan hệ sản xuất số lấy lực lượng lao động là trung tâm, có khả năng làm chủ các kỹ thuật cao, công nghệ số để làm việc. Coi việc tạo dựng được công cụ số và dữ liệu số trong quy hoạch, điều tra, quan trắc và bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ hàng đầu, đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, từng bước đổi mới, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng thành tựu số và phát triển các ứng dụng số để tăng năng lực quản trị dữ liệu, tăng năng suất lao động, giảm lao động gián tiếp, tăng lực lượng lao động trực tiếp.
Quá trình chuyển đổi số của Liên đoàn cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ để phát huy sức mạnh của lực lượng lao động, phù hợp với điều kiện cụ thể của Liên đoàn trong thời đại mới. Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chấp hành, người đứng đầu cấp ủy đảng, tổ chức chính trị xã hội và người lao động toàn Liên đoàn cần phải phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất, Tổ chức thành công Đại hội các Chi bộ và Đại hội Đảng bộ Liên đoàn nhiệm kỳ 2025-2030. Kiên định mục tiêu xây dựng được bộ máy tinh gọn, hiệu quả và không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của lĩnh vực tài nguyên nước và xu thế chung của đất nước. Tập trung xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật số đủ chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nỗ lực phát triển theo định hướng số của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của đất nước. Có cơ chế, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thi đua nâng cao năng lực chuyển đổi số trong toàn thể viên chức và người lao động của Liên đoàn. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp trong các Quy chế, tạo động lực cho người lao động trong chủ động nâng cao năng lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của Liên đoàn.
Thứ hai, phát huy tối đa vị thế, quan hệ và nguồn lực của Liên đoàn, đẩy nhanh quá trình đổi mới. Chủ động đề xuất, đăng ký, đấu thầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế, dự án ODA, dự án đầu tư; tận dụng các cơ hội để nâng cao chất lượng năng lực phần mềm, bổ sung thiết bị máy móc, công cụ, phần mềm; mở rộng các mảng dịch vụ công, tư, nỗ lực trong tổ chức sản xuất, tạo nhiều giá trị cho lĩnh vực, cho xã hội.
Thứ ba, tiếp tục cải cách cơ cấu tổ chức, xây dựng bộ máy Liên đoàn tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đảm nhiệm được nhiều kỹ thuật, cung cấp được nhiều dịch vụ. Tăng cường áp dụng công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả thực thi công việc; xác định rõ trách nhiệm giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý của Liên đoàn và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các Phòng, các Đoàn. Kiên quyết loại bỏ các công cụ sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo để thực hiện toàn diện chức năng nhiệm vụ; tăng cường tương tác số giữa các tổ chức của Liên đoàn.
Mục tiêu đến năm 2030, Liên đoàn có lực lượng kỹ thuật công nghệ số lành nghệ khoảng 50 người; đa số lực lượng lao động làm chủ công nghệ kỹ thuật số để thực hiện công việc; xây dựng được nền tảng dữ liệu số về tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh khu vực miền Bắc; cung cấp được các dịch vụ số trong quy hoạch, điều tra và quan trắc và bảo vệ phục hồi tài nguyên nước; làm chủ được một số công nghệ thông minh về dữ liệu số, nâng cao năng lực dịch vụ về cung cấp, xử lý và phục hồi nguồn nước.
Mục tiêu đến năm 2045, Liên đoàn phấn đấu là đơn vị có lực lượng kỹ thuật, nghiệp vụ số mạnh, có khoảng 70 chuyên gia về tài nguyên nước thành thạo các kỹ thuật, công nghệ số. Là đơn vị chủ đạo cung cấp thông tin phục vụ quản lý tài nguyên nước khu vực miền Bắc; có khả năng cung cấp toàn diện các dịch vụ về dữ liệu, kỹ thuật phục hồi nguồn nước, công nghệ thực tế ảo, giải pháp phát triển nguồn nước cho các vùng núi cao, khan hiếm nước và các vùng đảo.
Có thể khẳng định rằng Liên đoàn đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự đồng lòng, chung sức của toàn thể viên chức, người lao động của Liên đoàn và sự tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc nhất định sẽ “Đổi mới” thành công, hội tụ đủ nguồn lực thực hiện thành công mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế. Tập thể người lao động toàn Liên đoàn phát huy được truyền thống, đoàn kết, sở hữu năng lực kỹ thuật, công nghệ cao, cung cấp được nhiều mảng dịch vụ cho xã hội; phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho quản lý tài nguyên nước, góp phần quan trọng vào thực thi Luật Tài nguyên nước 2023./.
Nguyễn Chí Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Liên đoàn Trưởng