I.1. Tên đề án:
Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn
I.2. Quyết định phê duyệt thực hiện Đề án
- Quyết định số 303/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ nước dưới đât ở các đô thị lớn” .
I.3. Mục của tiêu, nhiệm vụ của Đề án
I.3.1. Mục tiêu của Đề án
- Trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn.
I.3.2. Nhiệm vụ của Đề án
- Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất các đô thị
- Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất các đô thị.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng quan trắc
I.4. Đơn vị chủ trì Đề án, đơn vị phối hợp
- Cơ quan thực hiện: Cục Quản lý tài nguyên nước; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.
- Cơ quan phối hợp: Trường Đại Học Mỏ - Địa chất; Hội Địa chất thủy văn Việt Nam; Các Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Ban Mê Thuật, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho.
I.5. Nội dung và các hoạt động chủ yếu của Đề án
Để bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị, cần thiết phải thực hiện 3 nội dung theo trình tự sau:
Nội dung 1: Điều tra bổ sung, đánh giá và xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất
Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây.
- Làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ.
- Xác định sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ.
- Xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ.
- Xác định trữ lượng khai thác tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ.
- Xác định ranh giới nhiễm mặn, các vùng nước dưới đất bị ô nhiễm.
Nội dung 2: Điều tra bổ sung, xác định khả năng tự bảo vệ, các tác động, các nguyên nhân, con đường gây cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất
Trọng tâm của nội dung này tập trung để giải quyết các vấn đề chính sau đây.
- Xác định các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá khả năng và mức độ tự bảo vệ của các tầng chứa nước.
- Xác định các nguồn có khả năng gây nhiễm bẩn cho nước dưới đất (bãi rác, nghĩa trang, các nguồn và điểm xả thải).
- Xác định điều kiện, nguyên nhân và con đường gây ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất tại các khu vực vượt quá quá giới hạn cho phép.
- Xác định các vùng nước dưới đất bị khai thác vượt quá khả năng cung cấp cần có biện pháp phục hồi và bảo vệ.
- Dự báo nguy cơ nhiễm bẩn và nhiễm mặn nước dưới đất.
Nội dung 3: Thực hiện các giải pháp bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị
- Giải pháp phi công trình:
+ Thiết lập các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
+ Thiết lập các vùng và đới bảo vệ nước dưới đất.
+ Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất.
+ Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vùng và đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất.
+ Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và vận hành mạng quan trắc tuân thủ nước dưới đất.
+ Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
- Giải pháp công trình:
+ Xây dựng mạng quan trắc tuân thủ nước dưới đất.
+ Xây dựng công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
I.6. Phạm vi thực hiện Đề án
1. Phạm vi thực hiện Đề án: Các đô thị lớn trên toàn quốc.
2. Thời gian thực hiện: Từ 2013 đến 2020.
Giai đoạn I (2013-2015): Thực hiện tại 9 đô thị trọng điểm: Thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho.
Giai đoạn II (từ năm 2016 - 2020) Triển khai tiếp ở các đô thị còn lại.
I.7. Tổng dự toán thực hiện Đề án: 225.000.000.000 đồng
I.8. Nguồn vốn thực hiện Đề án
Sự nghiệp kinh tế (Dự án Chính phủ).