Cục Quản lý tài nguyên nước đang xây dựng dự thảo Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một trong các mục tiêu của đề án là hướng tới chỉ số nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trong khu vực vào năm 2045.
Đảm bảo an ninh quốc gia về nguồn nước
Đây là mục tiêu quan trọng nhất của Đề án, đặc biệt trong bối cảnh nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trước tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu và phụ thuộc lớn vào nguồn nước liên quốc gia.
Việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải dựa trên cơ sở quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước. Quản lý tài nguyên nước phải thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Ngoài ra, đề án còn tính đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với khả năng đáp ứng của nguồn nước và bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; đồng thời, bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu, kết hợp hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng, hợp lý.
Chủ trương đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước phải kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Việc quản lý phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, quy hoạch tài nguyên nước và phải được chuyển đổi số nhằm điều hòa, phân bổ và phát triển nguồn nước theo thời gian thực.
* Coi nước là sản phẩm hàng hóa
Một quan điểm hiện đại được đưa vào dự thảo đề án là Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá, đồng thời tiếp tục khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra và nâng cao giá trị của nước.
Bởi nguồn nước nước ta có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ nên hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng và hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước liên quốc gia phải thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia nhằm đạt được việc sử dụng tối ưu và bền vững lợi ích do nguồn nước mang lại.
Đề án xác định các đối tượng liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; sản xuất, tiêu thụ nước sạch và phạm vi gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất (bao gồm cả nguồn nước liên quốc gia) thuộc phạm vi lãnh thổ.
Dự thảo đề án đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, chính sách; Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn nước; Hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia; Tăng cường đầu tư cho cấp nước sinh hoạt (cho đô thị và nông thôn); Tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác; Đầu tư, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải và thoát nước đô thị; Đầu tư nhằm chủ động ứng phó tác động biến đổi khí hậu, tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước liên quốc gia và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước; Đảm bảo an ninh tài nguyên nước cho môi trường; Xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia; Huy động nguồn lực các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ; thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cùng với đi mới cơ chế tài chính.