Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước, sự tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc, với tổng dòng chảy nước mặt hằng năm từ 830 đến 840 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn TNN chỉ ở mức trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Ðối với TNN dưới đất, có tổng trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho, Vũng Tàu… Ðáng chú ý, số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay cho thấy: TNN dưới đất đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Mực nước dưới đất bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian tại đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, nhất là tại một số đô thị lớn. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn dẫn đến hạ thấp mực nước sâu và gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền trung và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất ở một số địa phương hiện nay.
Việt Nam hiện đang đối mặt với nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là những vấn đề về mất cân đối nguồn nước, ô nhiễm các dòng sông. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn tới nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng. Kèm theo đó là nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật…, gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến số lượng, chất lượng nguồn nước các sông, suối. Nhiều sông chính đã và đang bị ô nhiễm với mức độ khác nhau, chủ yếu ở vùng trung, hạ lưu các lưu vực sông, khu vực tập trung đông dân cư và khu công nghiệp, làng nghề… Mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về TNN và môi trường làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về mức độ và quy mô.
Trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (từ 310 đến 315 tỷ m3/năm), nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng nhanh đặt ra những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước. Ðể chủ động quản lý, khai thác, sử dụng TNN hiệu quả và bền vững, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN toàn quốc; tổ chức đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn. Triển khai thực hiện công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước phục vụ dân sinh vùng hạn mặn, vùng cao, biên giới, hải đảo; nghiên cứu giải pháp trữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám sát TNN. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng TNN lớn (nhất là các hồ chứa lớn, quan trọng) đều phải lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát tự động lưu lượng, mực nước và kết nối trực tuyến với hệ thống của Bộ TN và MT nhằm giám sát trực tuyến việc khai thác, sử dụng TNN, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải vào nguồn nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ và bảo vệ các nguồn nước quan trọng. Ðồng thời, tập trung triển khai, thực hiện việc cấp quyền khai thác TNN cho các tổ chức, cá nhân.
Thứ trưởng Bộ TN và MT Lê Công Thành cho biết: Ngày Nước thế giới (22-3) năm 2021 có chủ đề “Giá trị của nước” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của TNN về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển và BÐKH. Bộ TN và MT đã có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai những hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ đề Ngày Nước thế giới, như: Khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực TNN, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, BÐKH để phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh tại địa phương; phát động các phong trào cộng đồng trồng cây xanh chắn cát; chống xói lở bờ biển; ngăn ngừa xâm nhập mặn; vệ sinh môi trường; sử dụng tiết kiệm điện, nước tại hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, trong trường học, công sở…
Các chuyên gia lĩnh vực TNN đề nghị Bộ TN và MT sớm hoàn thành hệ thống theo dõi, giám sát việc khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó với BÐKH, nước biển dâng, trước mắt ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng; xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường nước quốc gia bảo đảm việc quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường nước đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Ðồng thời, tăng hiệu quả sử dụng nước, giải quyết các vấn đề ô nhiễm TNN trên các lưu vực sông; bảo đảm sử dụng nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với BÐKH. Cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nước cho các mục đích sử dụng; tham gia tích cực và thực thi các điều ước quốc tế có liên quan đến TNN trên cơ sở hợp tác, phối hợp, đấu tranh để nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn TNN, trên nguyên tắc bảo đảm công bằng, hợp lý và bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
THÁI SƠN.
Nguồn: https://nhandan.vn/