(TN&MT) - Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã có hàng trăm công trình cấp nước nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu nước ăn và sinh hoạt cho người dân toàn huyện, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện miền núi Điện Biên Đông chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con sinh sống không tập trung nên vấn đề nước sinh hoạt thực sự là một khó khăn. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 214 công trình nước sinh hoạt tập trung, những năm trước đây, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn của huyện Điện Biên Đông có nước dùng trong sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp. Đến nay, tỷ lệ này đã được nâng lên với hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng. Những kết quả trên cho thấy hiệu quả thiết thực từ các chương trình hỗ trợ, đầu tư, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung cũng như nước phân tán cho nhân dân vùng nông thôn nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng.
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Những năm trước đây ở các xã vùng cao, vấn đề nước sinh hoạt luôn là nỗi lo của đồng bào các dân tộc trong xã. Do tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống trên các vùng đồi núi cao, cách xa nguồn nước, để có nước ăn và sinh hoạt họ thường phải gùi nước từ các khe suối về, khó khăn là vậy nhưng nguồn nước vẫn không đủ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Thông qua các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước như: Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường… Những năm qua, nguồn nước sinh hoạt đã đến với đồng bào các dân tộc trong xã.
Hiện nay, đối với huyện Điện Biên Đông, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân là rất lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, những năm qua huyện Điện Biên Đông được sự quan tâm đầu tư thông qua các chương trình, dự án, nhất là với sự ủng hộ, đóng góp một phần của nhân dân đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn. Vấn đề quản lý các công trình nước sau đầu tư cũng được các địa phương trong huyện thực hiện tương đối hiệu quả, góp phần phát huy giá trị sử dụng của công trình.
Anh Vàng A Hạng, bản Huổi Tống, xã Háng Lìa chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng như đa phần các hộ dân ở bản Huổi Tống đều sử dụng nước ở các khe suối để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ khi công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, bà con ở bản có nguồn nước hợp vệ sinh để tắm giặt cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Người dân ở đây không còn cảnh thiếu nước sử dụng vào mùa khô hay dùng nước khe suối mất vệ sinh nữa”.
Cùng với hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn xã Háng Lìa vốn trước đây chỉ dùng nước suối phục vụ sinh hoạt gia đình. Những năm qua, bằng các nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước, 10/10 thôn, bản trong toàn xã đã được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, hệ thống nước sạch được dẫn đến từng cụm dân cư đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, không chỉ vậy còn góp phần tích cực trong việc làm thay đổi tập quán sử dụng nước của người dân, đặc biệt nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, cấp nước sinh hoạt đã được đồng bào hưởng ứng và tham gia tích cực; nguồn nước được đảm bảo hơn, ý thức bảo vệ nguồn nước được nâng cao, nước được sử dụng hợp lý và tiết kiệm.
Tài nguyên nước - Hoàng Châu