Pú Hồng là một xã nằm ở phía Nam huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện khoảng 50 km về hướng Nam, cách Thành Phố Điện Biên khoảng 60 km về phía Đông Nam. Đây là một xã nghèo, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Mông (65%), dân tộc Khơ Mú, dân tộc Lào và số ít người dân tộc Kinh.
Đường giao thông đi vào xã rất khó khăn, từ Trung tâm thành phố Điện Biên qua xã Mường Nhà vẫn còn khoảng hơn 10 km là đường đất. Về mùa mưa, nước suối dâng cao, chảy siết, tuyến đường vào xã quanh co, nhiều dốc cao trở lên lầy lội, trơn trượt khiến cho việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Do điều kiện giao thông khó khăn, kinh tế kém phát triển nên người dân tại đây ít được tiếp cận với các dịch vụ tiện ích, đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, một số bản trong xã chưa có điện chiếu sáng. Đặc biệt là nguồn nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt vô cùng hạn chế. Nguồn nước nhân dân sử dụng chủ yếu được dẫn từ các điểm xuất lộ nước. Tuy nhiên các nguồn này về mùa khô cạn kiệt, mùa mưa nước đục, ngoài ra việc chăn thả gia súc và phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan cũng làm cho nguồn nước này trở nên ô nhiễm.
Năm 2021, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã triển khai dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” trên địa bàn xã Pú Hồng. Dự án đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước trong khu vực, khoanh định các vùng có triển vọng khai thác nước dưới đất để khoan và kết cấu các giếng khoan khai thác phục vụ cấp nước tập trung cho địa phương.
Do địa bàn thi công xa, giao thông khó khăn nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị thi công đến địa bàn xã vô cùng khó khăn. Mặt đường trơn, lầy lội khiến xe tải liên tục bị trượt bánh, không thể di chuyển, vừa đi phải vừa nhờ người dân sửa đường và có xe khác kéo (nhớ lại một lần hồi tháng 8 năm 2021, khi xe tải của Liên đoàn chuyển máy móc thiết bị khoan di chuyển qua quãng đường hơn 10 km mà mất đến hai ngày một đêm, nhờ sự trợ giúp của bà con địa phương mới đến được nơi khoan).
Địa bàn xã có địa hình chủ yếu là núi cao, các dãy núi ở đây cao từ hơn 700m đến hơn 800m so với mực nước biển, lại phân cắt mạnh mẽ khiến việc tìm kiếm được các khu vực có khả năng khai thác nước dưới đất cũng hết sức khó khăn. Qua quá trình khảo sát, phân tích tài liệu, địa hình khu vực, Liên đoàn đã nhận định khu vực bản Phiêng Muông có triển vọng để bố trí các lỗ khoan khai thác. Đây là nơi tập chung đông dân cư sinh sống, lại là khu vực có các trường nội trú cấp I, cấp II, trường mầm non với gần 2000 học sinh, cán bộ giáo viên đang sinh sống, làm việc.
Với lòng quyết tâm tìm ra bằng được nguồn nước để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, đoàn khảo sát đã điều tra tỉ mỉ, chi tiết bằng các phương pháp điều tra truyền thống, kết hợp phương pháp đo địa vật lý, đã xác định được 3 vị trí có thể bố trí các giếng khoan khai thác nước dưới đất.
Sau thời gian thi công đầy nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, Liên đoàn đã hoàn thành kết cấu thành công 3 giếng khoan VCĐ22; VCĐB23; và VCĐB24 với tổng lưu lượng dự báo lên đến hơn 2000 m3/ ngày đêm. Đây là niềm vui không chỉ đến với địa phương mà còn là niềm hạnh phúc đối với các cán bộ viên chức tham gia thi công nói riêng, của toàn thể Liên đoàn nói chung.
Ngay sau khi hoàn thành các công trình, Liên đoàn đã bàn giao cho UBND xã để đưa vào sử dụng, cấp nước cho người dân xung quanh và học sinh nội trú các trường cấp I, cấp II.
Một số hình ảnh các em học sinh vui mừng khi được tiếp cận nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt:
Việc tìm ra nguồn nước tại xã Pú Hồng không những giải quyết cơn khát nước cho nhân dân tại đây, mà còn góp phần tạo cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.
Nguyễn Văn Tuyến